Sẵn sàng vượt cản 1.300 điểm
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), thị trường đón nhận nhiều thông tin trong tuần qua như: Tổ chức xếp hạng FTSE Russell vừa công bố báo cáo phân loại thị trường với việc giữ nguyên Việt Nam trong danh sách theo dõi nâng hạng từ thị trường cận biên (Frontier Markets) lên thị trường mới nổi loại 2 (Secondary Emerging Markets).
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2024 giảm 0,23% so với tháng trước, so với tháng 12/2023 tăng 1,12% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,97%.
Tính chung quý I/2024, CPI tăng 3,77% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,81%. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.
Tuy nhiên, SHS cũng chỉ ra rằng, đà tăng trưởng đang có xu hướng được cải thiện, nhưng tăng trưởng tín dụng yếu cho thấy nền kinh tế đang có khả năng hấp thụ vốn thấp, những khó khăn đối với thị trường bất động sản và đặc biệt là thị trường trái phiếu vẫn chưa có bước chuyển biến căn cơ.
Tình hình kinh tế toàn cầu hiện cũng đang khó lường khi kinh tế toàn cầu vẫn bất ổn và tăng trưởng thấp đặc biệt là khu vực EU có nhiều nền kinh tế bước vào suy thoái như Pháp, Đức, Hà Lan, Anh...
Điểm tích cực là tình hình lạm phát đã bình ổn và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã phát tín hiệu dừng tăng lãi suất đồng thời để ngỏ khả năng khởi động chu kỳ giảm lãi trong năm 2024. Với tình trạng vĩ mô tốt xấu đan xen, việc thị trường hướng tới vận động tìm điểm cân bằng lại để tích lũy là phù hợp, SHS nhìn nhận.
SHS cho rằng, dù thị trường tăng điểm, nhưng VN-Index vẫn đang trong khu vực có rung lắc mạnh bất thường khi tiệm cận cản mạnh 1.300 điểm. Trong ngắn hạn, VN-Index đã hội đủ điều kiện để vượt cản mạnh 1.300 điểm, tuy nhiên ngưỡng cản mạnh này có thể cần thêm nhiều nỗ lực tích lũy. Trong trường hợp đó, VN-Index có thể còn vận động rung lắc rũ bỏ và tích lũy thêm nhưng ngưỡng 1.250 điểm sẽ là ngưỡng hỗ trợ tin cậy.
Xét dưới góc nhìn ngắn hạn, thị trường vẫn đang vận động tích cực, nhưng chưa vượt cản 1.300 điểm, vận động của thị trường hiện tại đang trong trạng thái sẵn sàng vượt cản bởi nền tích lũy đủ tin cậy. Tuy nhiên, vì ngưỡng 1.300 là ngưỡng cản mạnh nên rất có thể thị trường vẫn cần tích lũy thêm.
“Trong ngắn hạn ngay cả khi thị trường có thêm các phiên rung lắc và tích lũy thêm thì nhịp rung lắc tiếp theo mạng tính chất tăng cường tích lũy” SHS nhìn nhận.
Về góc nhìn trung hạn VN-Index đang có đà tăng mạnh nhưng chưa thực sự xác nhận xu hướng tăng (Uptrend), trừ khi VnIndex vượt cản 1.300 điểm. Hiện tại, VN-Index đang hình thành nền tích lũy trước ngưỡng cản mạnh 1.300 điểm và sẵn sàng để vượt cản. Tuy nhiên, có thể thị trường cần thêm thời gian tích lũy bởi ngưỡng 1.300 điểm là khu vực cản mạnh, khoảng nền tích lũy càng kéo dài thì quá trình vượt cản sẽ càng tin cậy. SHS cho rằng khu vực tích lũy cho nỗ lực vượt cản sẽ là vùng 1.250 - 1.300 điểm.
Thực tế, thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến rất tích cực trong tháng 3 và quý I/2024. Tại hội thảo "Chọn danh mục - đón sóng lớn", ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS) cho rằng: "Giai đoạn nới lỏng chính sách của Việt Nam đã bắt đầu từ tháng 4/2023 đến nay. Nghiên cứu của VPBankS cho thấy, sự tương quan giữa nới lỏng chính sách và VN-Index là khi lợi suất trái phiếu Chính phủ giảm, thị trường chứng khoán sẽ tăng mạnh và ngược lại".
Tham chiếu với tất cả chu kỳ nới lỏng chính sách trong quá khứ, thị trường chứng khoán đều tăng trưởng tốt. Do đó, cùng với triển vọng nâng hạng thị trường, ông Sơn cho rằng thị trường chứng khoán sẽ đi lên trong 1-2 năm tới. "Thị trường chứng khoán sẽ có nhịp điều chỉnh, nhưng xu hướng chủ đạo là đi lên", ông Sơn nói.
Theo vị chuyên gia này, niềm tin của nhà đầu tư đã quay lại, với dẫn chứng là thanh khoản thị trường tăng cao. Nếu khởi đầu năm 2023, thanh khoản đạt khoảng 13.000 - 14.000 tỷ đồng/phiên, trung bình cả năm là 18.000 tỷ đồng/phiên thì khởi đầu năm 2024 đã xuất hiện nhiều phiên giao dịch với thanh khoản từ 1 - 2 tỷ USD.
Nhiều cổ phiếu đã vượt đỉnh lịch sử giao dịch, chẳng hạn như cổ phiếu hàng đầu ngành công nghệ là FPT hiện đang giao dịch quanh vùng giá 116.000 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu đầu ngành hóa chất là DGC cũng đang giao dịch quanh mốc 123.000/cổ phiếu, đây là mốc cao nhất trong lịch sử niêm yết của DGC.
Về diễn biến thị trường chứng khoán tuần qua, VN-Index tăng nhẹ 0,18% so với tuần trước, ở mức 1.284,09 điểm, đồng thời kết thúc quý I/2024 tăng mạnh 13,64% so với cuối năm 2023. Thanh khoản thị trường cũng tăng mạnh trong quý I/2023. Thậm chí tuần trước (từ 18 - 22/3) đạt kỷ lục lịch sử trung bình phiên 30.000 tỷ đồng/cổ phiếu. HNX-Index cũng kết thúc quý I/2024 tăng 4,99% so với cuối năm 2023 lên mức 242,58 điểm.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 cũng có quý I giao dịch tích cực, tăng mạnh 14,62%, đây là động lực chính dẫn dắt VN-Index lần lượt vượt các vùng kháng cự mạnh quan trọng như 1.200 điểm và 1.250 điểm.
Trong tuần qua, thanh khoản trên HOSE chỉ đạt 124.049,00 tỷ đồng, giảm 18,3% so với tuần trước, đây là thanh khoản ở mức trung bình. Một phần nguyên nhân đến từ sự cố chưa có tiền lệ khi Công ty cổ phần chứng khoán VNDirect (VNDirect) mất kết nối với sở giao dịch trong cả 5 phiên trong tuần.
Khối ngoại có tuần bán ròng mạnh nhất kể từ đầu năm 2024 với giá trị lũy kế cả tuần đạt là 4563 tỷ đồng trên toàn thị trường; trong đó, tâm điểm bán ròng của khối ngoại thuộc về các cổ phiếu như: MSN (1509 tỷ đồng), VND (807 tỷ đồng), VHM (738 tỷ đồng)... Ở phía mua ròng, nhóm nhà đầu tư ngoại ưu thích các cổ phiếu: PDR (153 tỷ đồng), VPB (152 tỷ đồng), SSI (151 tỷ đồng)...
Trong tuần thị trường biến động trong biên độ hẹp trên vùng hỗ trợ quanh 1.265 điểm và kháng cự quanh 1.295 điểm.
Diễn biễn trong từng nhóm cổ phiếu cũng có sự đối lập với sắc xanh, đỏ đan xen. Ở nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, cao su, các mã tăng giá là DPR tăng 7,04%, SIP tăng 4,44%), D2D tăng 4,26%... Trong khi đó, IDV giảm 3,09%, SNZ giảm 2,27%, KBC giảm 2,10%...
Các cổ phiếu ngân hàng cũng phân hóa rất mạnh với sắc xanh, đỏ đan xen. Ở chiều tăng giá có TCB tăng 5,9%, VPB tăng 5,05%, LPB tăng 4,46%, NAB tăng 3,42%.... Ở chiều ngược lại BID giảm 3,87%, MSB giảm 3,32%, NVB giảm 1,85%....
Nhóm cổ phiếu bất động sản phân diễn biến tích cực hơn, với rất nhiều mã tăng giá mạnh như VRC tăng 24,38%, QCG tăng 23,53%, VPH tăng 7,48%, NHA tăng 6,54%....
Cổ phiếu chứng khoán VND giảm 5,56%, chịu áp lực bán mạnh, thanh khoản cao nhất lịch sử trong tuần qua khi xảy ra sự cố mất kết nối. Đa số các mã chứng khoán còn lại tăng mạnh như CSI tăng 6,06%, AGR tăng 5,69%, TVB tăng 4,21%, HCM tăng 3,15%... Các nhóm ngành khác đa số biến động trong biên độ hẹp.
Các chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết (CSI) cho rằng, điểm tích cực là thanh khoản tuần qua vẫn duy trì ở mức cao vượt trung bình 20 phiên, mặc dù thiếu vắng thanh khoản tại VNDirect. Các chỉ báo kỹ thuật như cũng đang ủng hộ xu hướng tăng điểm của thị trường. CSI kỳ vọng VN-Index sẽ hướng tới mốc kháng cự từ 1.317 – 1.325 điểm trong các tuần kế tiếp.
Ở góc nhìn khá thận trọng, Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhìn nhận, phiên cuối tuần, thị trường tăng điểm bất thành và lùi dưới ngưỡng 1.286 điểm. Thanh khoản giảm so với phiên trước cho thấy dòng tiền đang thận trọng, tuy nhiên tạm thời nguồn cung cũng chưa gây áp lực quá lớn. Với sự thận trọng hiện tại, có khả năng thị trường sẽ tiếp tục trạng thái thăm dò cung cầu tại vùng 1.277 – 1.290 điểm, trước khi có tín hiệu cụ thể hơn.
Thực tế, thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến tích cực trong quý I, giữa bối cảnh thị trường chứng khoán thế giới tăng mạnh.
Phố Wall khép lại quý đầu năm đầy khởi sắc
Phiên 29/3, thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa nghỉ lễ Thứ Sáu tuần Thánh, bởi vậy tuần giao dịch này của Phố Wall khép lại ở phiên 28/3.
Phiên này, chỉ số Dow Jones tăng 0,12% lên 39.807,37 điểm, song chỉ số Nasdaq Composite mất 0,12% xuống 16.379,46 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,11% lên 5.254,35 điểm.
Đây là lần thứ 22 chỉ số S&P 500 ghi nhận các mức đỉnh lịch sử trong quý I/2024. S&P 500 đã tăng 10,2% sau ba tháng đầu năm nay, giúp chỉ số này có được quý I tăng trưởng mạnh nhất kể từ năm 2019. Chỉ số Dow Jones và Nasdaq cũng ghi nhận mức tăng lần lượt 5,6% và 9,1% trong cùng kỳ.
Trước đó, đã từng có 17 phiên giao dịch xác lập các kỷ lục của S&P 500 trong 50 phiên giao dịch đầu tiên của năm 2024 - chuỗi bùng nổ kéo dài nhất kể từ năm 1998 tính trong cùng thời kỳ. Chỉ số Dow Jones và Nasdaq cũng liên tục xác lập những đỉnh mới trong quý I.
Thị trường chứng khoán Mỹ đang cho thấy một khởi đầu đầy tích cực trong năm 2024, khi sự lạc quan về nền kinh tế và việc cắt giảm lãi suất kết hợp với sự phấn khích về cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) dự kiến sẽ còn "khuấy động" một làn sóng tăng cho thị trường cổ phiếu thời gian tới.
Cho tới nay, không có đợt sụt giảm đáng kể nào của Phố Wall kể từ đầu năm 2024. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite vào cuối tháng 2/2024 cũng đã đạt mức cao kỷ lục đầu tiên kể từ tháng 11/2021.
"Chìa khóa" cho sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán trong năm nay là niềm tin của các nhà đầu tư rằng nền kinh tế Mỹ đã sẵn sàng cho một cuộc "hạ cánh mềm"; trong đó, lạm phát ở mức vừa phải nhưng nền kinh tế tránh được kịch bản suy thoái.
Các nhà hoạch định chính sách của Fed mới đây đã công bố một loạt dự báo mới về nền kinh tế, với nhận định tăng trưởng trong các năm 2024, 2025 và 2026 thậm chí còn mạnh hơn các dự báo trước đó.