Chốt phiên giao dịch ngày 31/7, cả 3 chỉ số chứng khoán chủ chốt của thị trường chứng khoán Mỹ đồng loạt giảm hơn 1%. Cụ thể, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 1,2%, dừng ở mức 26.864,27 điểm, chỉ số tổng hợp S&P 500 giảm 1,1%, còn 2.980,38 điểm, chỉ số công nghệ Nasdaq giảm 1,2% xuống còn 8.175,42 điểm.
Trong khi đó, đồng USD lại tăng giá cao nhất so với đồng euro với mức quy đổi 1 euro/1,11 USD - mức cao nhất kể từ tháng 5/2017.
Thị trường chứng khoán Mỹ bắt đầu đà giảm ngay từ giữa phiên giao dịch khi Chủ tịch FED Jerome Powell khẳng định quyết định cắt giảm lãi suất của ngân hàng trung ương Mỹ lần này chỉ là sự khởi đầu trong chuỗi cắt giảm lãi suất sắp tới.
Kết thúc cuộc họp ngày 31/7, Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của FED - đã thông báo quyết định giảm lãi suất lần đầu tiên kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 - 2009 trong bối cảnh nguy cơ bất ổn kinh tế gia tăng.
Cụ thể, mức lãi suất cơ bản được điều chỉnh giảm 0,25% từ biên độ 2,25-2,5% xuống biên độ 2-2,25%. FED cũng nhấn mạnh rằng cơ quan này có thể tiếp tục giảm lãi suất trong năm nay nhằm hỗ trợ nền kinh tế Mỹ ứng phó với xu hướng giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu.
Quyết định này của ngân hàng trung ương Mỹ không nằm ngoài dự đoán của các nhà đầu tư và các nhà kinh tế. Tuy nhiên, điều này sẽ phần nào khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump thất vọng do tổng thống - doanh nhân muốn FED cắt giảm mạnh lãi suất để kích thích nền kinh tế.
Chia sẻ trên Twitter ngày 29/7, Tổng thống Trump cho rằng trong khi cả Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc đều sẽ tiếp tục giảm lãi suất và "bơm" tiền vào hệ thống tài chính, tạo điều kiện cho các nhà sản xuất bán sản phẩm thì FED lại không có động tĩnh gì dù lạm phát tại Mỹ đang rất thấp.