Thị trường chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều 

Các thị trường chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều trong phiên 18/1 sau đà phục hồi gần đây.

Chú thích ảnh
Bảng chỉ số chứng khoán tại Tokyo, Nhật Bản ngày 9/7/2020. Ảnh minh họa: THX/TTXVN

Các thị trường Hong Kong và Thượng Hải đi lên nhờ số liệu cho thấy nền kinh tế Trung Quốc trong năm 2020 tăng trưởng mạnh hơn dự kiến, trong khi thị trường tại Nhật Bản và Hàn Quốc đều chứng kiến phiên giảm điểm.

Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 0,97%, hay 276,97 điểm, xuống 28.242,21 điểm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 2,33%, hay 71,97 điểm, xuống 3.013,93 điểm. Trong khi đó, chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) chốt phiên tăng 1,01%, hay 288,91 điểm, lên 28.862,77 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải (Trung Quốc) tăng 0,84%, hay 29,85 điểm, lên 3.596,22 điểm.

Thị trường Hong Kong và Thượng Hải tăng sau khi các số liệu chính thức cho thấy kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 2,3% trong năm ngoái, vượt mức dự báo trước đó. Mặc dù đây là mức tăng yếu nhất trong 4 thập niên song điều này cho thấy đà tăng trưởng đang phục hồi.

Dù được các nhà đầu tư hoan nghênh, đề xuất về gói kích thích trị giá 1,9 nghìn tỷ USD của Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden không thể tiếp tục thúc đẩy thị trường đi lên. Nỗi lo trước sự tăng mạnh số ca mắc mới dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cũng hạn chế hoạt động mua vào khi các chính phủ buộc phải thực hiện các biện pháp phong tỏa mới cùng lúc với việc tích cực triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Nhà phân tích Michael Hewson tại CMC Markets cho rằng sức hấp dẫn của các tài sản rủi ro giảm đi trong tuần trước và sau đó chủ yếu do lo ngại rằng hiện còn sớm để nói tới sự phục hồi. Những kỳ vọng về một kế hoạch tài chính quy mô lớn của đảng Dân chủ tại Mỹ cũng đã bắt đầu giảm đi, khi chi tiết của kế hoạch kích thích mới thu hút sự chú ý.

Sự chú ý đang được hướng tới lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden vào ngày 20/1 và có hy vọng rằng kế hoạch chi tiêu lớn của ông sẽ được Quốc hội phê chuẩn.

Nhà chiến lược tại Axi, Stephen Innes, cho rằng quy mô của gói kích thích cuối cùng sẽ bị giảm đáng kể. Chuyên gia Rodrigo Catril thuộc National Australia Bank nói rằng việc thông qua đề xuất của ông Biden cần phải có thời gian, sau các cuộc tranh luận và các thủ tục pháp lý.

Trái với thị trường chứng khoán, giá vàng châu Á trong phiên giao dịch chiều 18/1 tăng sau khi chạm mức thấp nhất một tháng rưỡi trước đó, nhờ triển vọng gói kích thích kinh tế của Mỹ khiến đồng USD mạnh làm cho vàng mất sức hấp dẫn.

Chú thích ảnh
Vàng miếng được trưng bày tại sàn giao dịch ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Vào lúc 14 giờ 30 phút chiều (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á đã tăng 0,5% lên 1.836,29 USD/ounce sau khi giảm xuống 1.809,90 USD/ounce, mức thấp nhất kể từ ngày 2/12/2020. Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn cũng tăng 0,4% lên 1.836,80 USD/ounce.

Ông Stephen Innes, chuyên gia chiến lược thị trường toàn cầu hàng đầu tại trung tâm Axi cho biết thông tin Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden công bố đề xuất gói kích thích kinh tế trị giá 1,9 nghìn tỷ USD để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp nước này ứng phó với đại dịch COVID-19 có tác động  tích cực tới thị trường vàng.

Đồng USD tăng lên mức cao nhất 4 tuần qua so với các đồng tiền chủ chốt khác khiến vàng trở nên đắt đỏ đối với những người nắm giữ các đồng tiền khác. Hiện các chuyên gia đang có quan điểm lạc quan trong dài hạn đối với thị trường vàng vì đồng USD dự kiến sẽ vẫn yếu trong dài hạn.

Phương Hoa (TTXVN)
Chứng khoán châu Á phiên 14/1 đi lên
Chứng khoán châu Á phiên 14/1 đi lên

Trong phiên giao dịch ngày 14/1, hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á đều chứng kiến đà tăng mới khi giới đầu tư chờ đợi đề xuất về một gói kích thích kinh tế mới từ Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden, cũng như bình luận của người đứng đầu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về triển vọng chính sách của ngân hàng này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN