Nông dân thu hoạch cà phê tại Espírito Santo, Brazil. Ảnh: AFP/TTXVN
Tại hội nghị thường niên của Hiệp hội Cà phê Quốc gia Mỹ ở Houston tuần này, những người tham dự bày tỏ sự bất ngờ trước mức tăng 70% kể từ tháng 11/2024 đối với giá cà phê Arabica kỳ hạn trên sàn giao dịch IC.
Ông Renan Chueiri, Tổng giám đốc của Công ty ELCAFE C.A. tại Ecuador, cho biết năm nay là lần đầu tiên nhà sản xuất cà phê hòa tan này không bán hết được sản lượng dự kiến cả năm tính đến tháng 3. Ông cho biết, thông thường đến thời điểm này họ đã bán hết hàng, nhưng đến nay mới chỉ bán được chưa đến 30% sản lượng. Nguyên nhân là do mức tăng giá lớn đã ảnh hưởng đến dòng tiền của khách hàng, khiến họ không đủ tiền để mua theo nhu cầu.
Giá cà phê tăng cao là do sản lượng giảm ở các khu vực trồng cà phê quan trọng, đặc biệt là ở Brazil, quốc gia sản xuất cà phê hàng đầu thế giới, khiến nguồn cung cà phê trở nên khan hiếm.
Một nhà môi giới cà phê cho biết không ai muốn mạo hiểm để mua hàng giao sau, tất cả đều đang mua “cầm chừng”, tức là chỉ mua đủ dùng trong thời điểm hiện tại và tránh tích trữ. Người này cho biết nhiều giao dịch gần đây ở Brazil được thực hiện một cách rất thận trọng. Người mua sẽ chốt giao dịch, sau đó có 7 ngày để đến trang trại hoặc kho hàng để lấy cà phê. Họ kiểm tra chất lượng, và nếu đạt yêu cầu, họ sẽ thanh toán tại chỗ và vận chuyển cà phê đi.
Một cuộc thăm dò gần đây của hãng tin Reuters dự đoán giá cà phê Arabica có thể giảm 30% vào cuối năm nay, do giá cao kiềm chế nhu cầu và có dấu hiệu ban đầu cho thấy vụ mùa bội thu của Brazil vào năm tới. Bên cạnh đó, trong bài thuyết trình tại hội nghị, Công ty thương mại hàng hóa Louis Dreyfus cho biết trước tình hình giá tăng cao, diện tích trồng cà phê đã được mở rộng ở các quốc gia như Ấn Độ, Uganda, Ethiopia và Brazil. Công ty này tin rằng điều này, kết hợp với việc Brazil có được một vụ mùa bội thu như dự đoán vào năm tới, có thể đẩy giá cà phê sụt giảm mạnh.
Tuy nhiên, cho đến khi giá giảm đáng kể, phần lớn ngành cà phê có thể sẽ còn gặp nhiều khó khăn.
Giám đốc điều hành của một công ty rang xay lớn tại Mỹ - thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất thế giới - cho biết một số khách hàng của ông không chắc họ có thể tiếp tục kinh doanh hay không. Người này cho biết các siêu thị và cửa hàng tạp hóa đã phản đối mức giá cao mà các công ty rang xay đưa ra. Các cuộc đàm phán về giá vẫn chưa có hồi kết và một số cửa hàng bán lẻ bắt đầu thiếu cà phê để bán.
Trong khi đó, một giám đốc điều hành của một trong những công ty lớn nhất trong lĩnh vực kho bãi cho biết các kho cà phê gần các cảng ở Mỹ, nơi tiếp nhận cà phê từ Trung và Nam Mỹ, hiện chỉ đang chứa một nửa khối lượng thông thường. Ông cho biết thêm, một số công ty đang phải trả lại kho cho chủ sở hữu và hủy hợp đồng thuê sớm.