Chiêu 'câu' khách
Ghi nhận của phóng viên Báo Tin tức, các tuyến đường có các cửa hàng bán bánh trung thu của các thương hiệu lớn như Xô Viêt Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh), An Dương Vương (quận 5), Phạm Văn Đồng (quận Thủ Đức), Hai Bà Trưng (quận 3), Đỗ Xuân Hợp (quận 9)… đã bắt đầu treo bảng giảm giá "mua 1 tặng 1", hoặc "mua 1 được 2", "mua 1 thành 4"… Theo đó, đa số các cửa hàng treo biển giảm giá này là bán bánh của Kinh Đô, Như Lan, Bibica... nhưng thật sự những thương hiệu này không hề giảm giá mà do người bán nhập nhằng muốn "câu" khách, còn bánh được tặng kèm là bánh của những nhãn hiệu khác rẻ tiền hơn.
Mặc dù việc này đã diễn ra nhiều năm, nhưng hiện vẫn có không ít người tiêu dùng bị hiểu lầm, cứ nghĩ các thương hiệu lớn, có uy tín giảm giá nên đi đường thấy treo biển giảm giá thì đều tranh thủ ghé vào mua. Chị Lê Hà Vi (ngụ ở quận 3), cho biết khi đi trên đường thấy các cửa hàng bánh Trung thu thương hiệu lớn treo bảng giảm giá “mua 1 tặng 1” nên chị cũng tranh thủ ghé vào mua. Tuy nhiên, đó chỉ là một hình thức "câu" khách của các cửa hàng, chứ khi mua 1 cái bánh Trung thu thương hiệu chị lại được tặng 1 chiếc bánh Trung thu loại khác của nhà sản xuất tên Đồng Khánh, hoặc 1 bánh của cơ sở sản xuất nhỏ lẻ nào đó.
Tương tự, anh Ngô Tuấn (ngụ ở quận Thủ Đức) cho biết, các điểm bán bánh Trung thu trên đường Phạm Văn Đồng (quận Thủ Đức) treo biển giảm giá khá sớm. Tuy nhiên, đa phần đây chỉ là để đánh vào tâm lý “ham giá rẻ” của người tiêu dùng. Chẳng hạn, có chủ cửa hàng "chơi chữ" gây hiểu lầm như “ mua 1 được 2” tức là mua 1 chỉ được thêm 1 mà thôi nhưng nhờ vậy cũng có khách ghé qua hỏi mua bánh.
Theo lý giải của các cửa hàng bán bánh Trung thu tại TP Hồ Chí Minh, năm nay, các cửa hàng bày bán bánh Trung thu khá sớm để có nhiều thời gian cho khách hàng lựa chọn, tuy nhiên dù đã gần đến Rằm tháng 8 nhưng hiện nay sức mua vẫn rất èo uột, lượng khách ra vào cửa hàng 1 ngày chỉ khoảng 5-10 khách. Cũng vì thị trường chưa thể khởi sắc nên những người bán bánh Trung thu cũng phải thay đổi cách bán hàng bằng cách treo bảng giảm giá sớm từ tuần trước hoặc bảng "mua 1 tặng 1" hay "mua 1 được 2" để thu hút sự chú ý của người tiêu dùng.
Sản lượng tăng, giá không đổi
Ghi nhận của phóng viên Báo Tin tức, năm nay các đơn vị sản xuất bánh Trung thu thương hiệu lớn đều chú trọng sử dụng 100% nguyên liệu tự nhiên và sử dụng ít đường, ít béo để phù hợp với nhu cầu của khách hàng. So với năm ngoái, năm nay dù các nguyên liệu đầu vào tăng, song giá bánh Trung thu thương hiệu lớn bán ra không tăng nhiều, chỉ tăng nhẹ từ 3 - 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, các loại bánh Trung thu bình dân có giá dao động từ 200.000 - 500.000 đồng/hộp 4 chiếc, đối với loại bánh cao cấp đến từ các khách sạn 5 sao lên đến 2,5 triệu đồng/hộp.
Để phục vụ thị trường trong nước, các thương hiệu bánh lớn cũng thường tận dụng dịp Trung thu để chào hàng những sản phẩm mới và hướng đến sức khỏe cho người tiêu dùng. Chẳng hạn như có các loại bánh Trung thu có nhân các vị mứt mới như: vị mứt dâu, mứt chanh mật ong, mứt cam… Ngoài các vị bánh mới, các đơn vị sản xuất còn tập trung tung ra dòng bánh dinh dưỡng cao cấp cho người sợ béo, ngọt, ăn kiêng và tiểu đường, bánh chay… với đủ các vị nhân bánh.
Đại diện công ty cổ phần Bibica cho biết, dịp Trung thu năm nay, công ty đưa ra thị trường trên 600 tấn bánh (tăng 10% so với năm 2017) với khoảng 60 chủng loại, tập trung ở 3 loại bánh cao cấp, bánh dinh dưỡng và bánh truyền thống. Trong đó, điểm nhấn năm nay của Bibica là bộ sản phẩm bánh rau củ, sử dụng hoàn toàn rau củ từ thiên nhiên, giàu dinh dưỡng.
Bên cạnh những dòng bánh tiêu dùng phục vụ thị trường trong nước, các doanh nghiệp còn nỗ lực sản xuất bánh để xuất khẩu ra nước ngoài. Bà Bùi Thị Thanh Huyền, Phó tổng Giám đốc Marketing của Mondelez Kinh Đô, cho biết theo truyền thống, Tết Trung thu vẫn là một trong những dịp lễ quan trọng và mang đậm nét văn hoá cổ truyền của người Việt. Với cộng đồng người Việt ở nước ngoài, dù ở xa quê hương, nhưng ai ai cũng nhớ đến lễ hội truyền thống này. Vì vậy, năm nay đơn vị tiếp tục xuất khẩu sang thị trường Mỹ các loại bánh truyền thống như: Nhân ngũ hạt, nhân hạt sen, nhân sầu riêng, nhân trà xanh, nhân đậu xanh lá dứa và bánh Trung thu xanh (loại bánh dùng cho người có nhu cầu ăn kiêng, ăn chay). Những chiếc bánh Trung thu gói trọn vị Việt sẽ góp phần giúp những người xa quê hưởng trọn vị của Tết Trung thu cổ truyền Việt Nam.
Theo khảo sát của phóng viên, gần đây sức mua các thương hiệu bánh Trung thu lớn cũng giảm dần, thay vào đó, người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang các loại bánh Trung thu hiện đại, các loại bánh "nhà làm" (homemade). Những loại bánh Trung thu homemade này được bán online trên các trang mạng xã hội, được các chủ nhân bán hàng quảng cáo với giá khá rẻ, không sử dụng chất bảo quản, nhân bánh hoàn toàn tự nhiên, thời hạn sử dung không nhiều…
Bạn Minh Phương, chuyên kinh doanh bánh Trung thu homemade cho biết, từ đầu mùa đến nay bạn đã bán được 700 chiếc cho khách đặt hàng qua mạng. Năm nay, lượng khách tăng khoảng 20% so với năm ngoái bởi giá bánh của Phương khá rẻ, chỉ 56.000 -120.00 đồng/cái đủ loại nhân. Đa số khách hàng chọn mua các loại bánh có nhân thập cẩm các loại hạt ngũ cốc như: mè đen, đậu đỏ, đậu xanh…
Theo các tiểu thương, năm nay không phải là năm đầu tiên thị trường bánh Trung thu rơi vào bão hòa, thậm chí ế ẩm. Bởi tình trạng bánh Trung thu giá rẻ, chất lượng kém đã làm mất niềm tin của người tiêu dùng. Mặt khác, các cửa hàng bánh Trung thu thương hiệu ít khách hàng còn do dịch vụ đặt hàng qua mạng ngày càng phát triển đã khiến người tiêu dùng không phải trực tiếp mua hàng mà chỉ cần vài lần click chuột là có bánh Trung thu giao tận nhà.