Theo đó, Top 10 thị phần giá trị giao dịch môi giới trên HOSE trong quý IV/2022 có vài sự thay đổi nhỏ so với quý III trước đó, khi thị phần của công ty đứng đầu bị thu hẹp đáng kể, vị trí các công ty có vài sự hoán đổi và Chứng khoán FPT (FPTS) "văng" khỏi danh sách này.
Cụ thể, Công ty cổ phần Chứng khoán VPS tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu về thị phần môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và chứng quyền có bảo đảm trên sàn HOSE. Tuy nhiên, thị phần môi giới của công ty này có sự sụt giảm mạnh trong quý này, kể từ mức 18,71% ở cuối quý III xuống còn 14,81%.
Ngược với sự sụt giảm của VPS, thị phần của nhiều công ty chứng khoán khác lại có sự gia tăng trong quý IV/2022. Ở vị trí thứ 2, thị phần của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI có sự cải thiện nhẹ, từ 9,6% ở cuối quý III lên 9,96%. Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect tiếp tục ở vị trí thứ 3 với thị phần 7,51%, giảm nhẹ so với mức 7,72% ở quý trước.
Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MAS) ở vị trí thứ 4 với thị phần tăng từ 5,85% lên 6,31%. Công ty cổ phần Chứng khoán Tp.Hồ Chí Minh (HSC) đứng thứ 5 về thị phần, với mức tăng 0,6 điểm % lên 6,9%.
Có 5 vị trí tiếp theo trong bảng xếp hạng này là Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC), Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS), Công ty cổ phần Chứng khoán Kỹ thương (TCBS), Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam và Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC).
Đáng chú ý, TCBS đã bị tụt 2 bậc, xuống vị trí thứ 8, chỉ còn 3,73% thị phần, thay vì mức 5,23% trước đó. Trong khi đó, VCSC lại tăng 2 hạng so với quý trước, đứng ở vị trí thứ 6, với 5,14% thị phần.
Danh sách Top 10 quý IV còn có một điểm đáng chú ý khác, đó là FPTS đã bị loại khỏi danh sách và nhường lại vị trí này cho VDSC với 3,24% thị phần.
Tính chung cả năm 2022, VPS tiếp tục dẫn đầu thị phần môi giới trên HOSE với 17,38% thị phần. Đây cũng năm thứ 2 liên tiếp, công ty này dẫn đầu thị phần trên HOSE. Trước đó, kể từ quý I/2021, VPS đã vươn lên dẫn đầu thị phần tại HOSE và giữ vững vị trí này kể từ đó đến nay.
Kế đến là những cái tên quen thuộc SSI với 9,84% thị phần; VNDirect là 7,88%; HSC 5,72%, MAS 5,47%. Các vị trí còn lại là TCBS, VCSC, MBS, FPTS và KIS, với thị phần dao động từ 3-5%.
Trong bối cảnh thị trường có nhiều sự biến động mạnh trong năm 2022, một số công ty chứng khoán vẫn tiếp tục đẩy mạnh chiến lược phát triển, mở rộng mạng lưới giao dịch, nhằm góp phần mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường chứng khoán cho các nhà đầu tư cũng như mở rộng thị phần hoạt động.
Trong số đó, SSI đã khai trương thêm phòng giao dịch, nâng số địa điểm kinh doanh của công ty này lên 7 điểm tại TP Hồ Chí Minh và thứ 13 trên toàn quốc. Hay như Mirae Asset Việt Nam cũng khai trương văn phòng mới tại Đà Nẵng nhằm mở rộng đối tượng khách hàng ở khu vực miền Trung cũng như nhóm đối tượng khách hàng nước ngoài đang làm việc và sinh sống tại Đà Nẵng, đặc biệt là khách hàng Hàn Quốc...
Song song đó, một số công ty chứng khoán cũng đẩy mạnh các chương trình tư vấn đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả, quản trị rủi ro cho nhà đầu tư với nhiều chương trình, sự kiện thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà đầu tư. Đơn cử như chương trình Café Chứng mỗi sáng, Bí mật Đồng tiền... của SSI.