Thêm vào đó, lo ngại về suy thoái kinh tế và sự sụt giảm của Phố Wall cũng tác động xấu tới tâm lý thị trường.
Việc Trung Quốc thoát khỏi chính sách "Zero COVID" (Không COVID) kéo dài gần ba năm đã được hoan nghênh rộng rãi, song tốc độ quá nhanh chóng mà các nhà chức trách nước này dỡ bỏ các hạn chế đã dẫn đến sự bùng nổ các ca nhiễm mới trên khắp nước này, gây ra một tác động khác đến hoạt động kinh tế Trung Quốc.
Các nhà phân tích cho biết, những lo ngại về tác động của đợt bùng phát đi ngược lại sự lạc quan rằng triển vọng tích cực trong dài hạn, khi số ca nhiễm mới sẽ giảm và hoạt động của các doanh nghiệp sẽ khởi động lại.
Ngày 4/1, thị trường Tokyo của Nhật Bản đã lao dốc trong phiên giao dịch đầu tiên của năm 2023 trong bối cảnh các nhà đầu tư lo ngại về khả năng Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ thắt chặt tiền tệ và đồng yen sẽ tăng giá mạnh so với đồng USD. Kết thúc phiên 4/1, chỉ số Nikkei-225 giảm 1,45% so với phiên giao dịch cuối năm ngoái xuống còn 25.716,86, thấp nhất kể từ ngày 15/3/2022, trong khi chỉ số Topix cũng giảm 1,25% xuống còn 1.868,15 điểm.
Tại Sở Giao dịch Chứng khoán Tokyo (TSE), cổ phiếu của gần như tất cả 33 nhóm ngành đều giảm giá, trong đó các cổ phiếu vận tải biển, khoáng sản và thiết bị chính xác giảm mạnh nhất. Một số cổ phiếu của các công ty xuất khẩu cũng giảm trong bối cảnh đồng yen đang có xu hướng tăng giá trở lại so với đồng USD.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân chủ yếu khiến cho chỉ số Nikkei-225 để mất ngưỡng hỗ trợ tâm lý quan trọng 26.000 điểm là do các nhà đầu tư ngày càng lo ngại về khả năng BoJ sẽ từ bỏ chính sách tiền tệ siêu lỏng sau khi ngân hàng trung ương này đã đưa ra quyết định đầy bất ngờ hồi tháng 12 năm ngoái là tăng gấp đôi biên độ dao động lãi suất trái phiếu Chính phủ Nhật Bản (JGB) kỳ hạn 10 năm - một động thái được nhiều chuyên gia coi không khác gì tăng lãi suất.
Trước đó, một số phương tiện truyền thông Nhật Bản đưa tin BoJ đang xem xét nâng dự báo lạm phát trong phiên họp chính sách thường kỳ tháng 1/2023.
Bên cạnh đó, các số liệu thấp hơn dự báo về sản xuất công nghiệp của Trung Quốc và sự sụt giảm trên thị trường chứng khoán Mỹ cũng tác động tiêu cực tới tâm lý của các nhà đầu tư.
Tại thị trường Seoul của Hàn Quốc, chỉ số Kospi tăng 37,3 điểm (1,68%), lên 2.255,98 điểm, dứt chuỗi bốn phiên giảm điểm liên tiếp, khi các nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh mua cổ phiếu của Samsung Electronics và các nhà sản xuất chip khác.
Tại thị trường Trung Quốc, hai sàn giao dịch chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hong Kong đồng loạt đi lên. Đáng chú ý, chỉ số Hang Seng dẫn đầu đà tăng của khu vực khi giá cổ phiếu của hàng loạt công ty công nghệ và "đại gia" thương mại điện tử Alibaba tăng vọt nhờ thông tin đơn vị tài chính tiêu dùng của Ant Group vừa được Ủy ban Điều tiết Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC) chấp thuận yêu cầu tăng 10,5 tỷ NDT (1,5 tỷ USD) vốn. Động thái trên đánh dấu bước biến chuyển tích cực trong mối quan hệ giữa giới chức đại lục và các "gã khổng lồ" công nghệ.
Kết thúc phiên này, chỉ số Hang Seng tăng 647,82 điểm (3,22%), lên 20.793,11 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tăng 7 điểm (0,22%), lên 3.123,52 điểm.
Thị trường Sydney của Australia, Wellington của New Zealand và Manila của Philippines cũng đồng loạt bừng "sắc xanh". Trong khi đó, thị trường Đài Bắc (Trung Quốc), Mumbai (Ấn Độ), Bangkok (Thái lan) và Jakarta (Indonesia) lại giảm điểm.
Tại thị trường Việt nam, kết thúc phiên giao dịch 4/1, chỉ số VN-Index tăng 2,45 điểm (0,23%) lên 1.046,35 điểm. Chỉ số HNX-Index tăng 0,5 điểm (0,24%) lên 213,06 điểm.