Kỳ vọng chứng khoán năm 2023 sẽ trở lại mạnh mẽ

Phát biểu tại Lễ đánh cồng khai trương giao dịch chứng khoán đầu năm mới diễn ra ngày 3/1 ở Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi bày tỏ: Với sự nỗ lực của Chính phủ, dự báo năm 2023, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam sẽ trở lại mạnh mẽ, phát triển cả về quy mô và chất lượng, tiếp tục là kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế và là công cụ quản lý vĩ mô hiệu quả của Chính phủ.

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đánh cồng khai trương giao dịch chứng khoán đầu năm 2023.

Tăng trưởng GDP của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới

Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, 2022 là năm thế giới dần hồi phục sau khi đại dịch COVID-19 đã được kiểm soát. Tuy nhiên, những hậu quả về mặt kinh tế mà đại dịch này gây ra vẫn cần thời gian dài để khắc phục, không chỉ vậy, thế giới còn phải đối mặt thêm những khó khăn mới tới từ sự bất ổn chính trị, xung đột giữa Nga và Ukraine. 

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, kết quả kinh tế GDP của Việt Nam ước tính năm 2022 vẫn đạt mức tăng trưởng khoảng 8%, thuộc nhóm cao nhất thế giới. Các cân đối vĩ mô vẫn tiếp tục được ổn định: Lãi suất, lạm phát, tỷ giá được kiểm soát; thu ngân sách tiếp tục được giữ vững; nợ công, bội chi ngân sách đảm bảo các chỉ tiêu của Quốc hội. 

Thu ngân sách Nhà nước năm 2022 ước đạt 1.800 nghìn tỷ đồng, bằng 125% dự toán Quốc hội giao, tăng gần 20% so cùng kỳ năm 2021. Ngân sách vẫn đảm bảo nguồn thực hiện các nhiệm vụ chi quan trọng, đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn, đảm bảo kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và các nhiệm vụ chi an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng hưởng lương, lương hưu và trợ cấp xã hội từ ngân sách Nhà nước. 

Đối với TTCK Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho rằng: Mặc dù có nhiều biến động song năm 2022, thị trường vẫn giữ được hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt. Huy động vốn trên thị trường vẫn đạt ở mức cao, đa số các doanh nghiệp niêm yết hoạt động ổn định, có lãi. Sự tham gia của các nhà đầu tư trong và ngoài nước ngày càng tăng.

Thị trường sẽ đi vào thực chất hơn 

Năm 2023, mặc dù kinh tế vĩ mô nói chung và thị trường chứng khoán thế giới cũng như Việt Nam dự báo vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên, TTCK Việt Nam vẫn được đánh giá còn cơ hội phát triển.

Kết thúc tháng cuối cùng của năm 2022, VN-Index đứng ở mức 1.007,9 điểm, tương ứng giảm 41,33 điểm (-3,94%) so với cuối tháng 11. Tương tự, HNX-Index giảm 3,48 điểm (-1,67%) xuống 205,31 điểm. Trong khi đó, UPCoM-Index tăng 0,78 điểm (1,1%) lên 71,65 điểm.

Giao dịch của khối ngoại tiếp tục là điểm nhấn của thị trường và là động lực chính giúp thị trường chung không giảm quá sâu ở thời điểm cuối năm. Cụ thể: Khối ngoại trên toàn thị trường thực hiện mua vào 1,6 tỷ cổ phiếu trong tháng 12, trị giá 41.400 tỷ đồng, trong khi bán ra 1,06 tỷ cổ phiếu, trị giá 28.046 tỷ đồng. Tổng giá trị mua ròng ở mức gần 13.400 tỷ đồng (giảm 21% so với tháng 11), tương ứng khối lượng mua ròng là 524 triệu cổ phiếu.

“Qua năm 2022, thị trường sẽ đi vào thực chất để phát triển bền vững. Do đó, trong năm 2023, cơ quan quản lý sẽ triển khai các giải pháp để thị trường phát triển thực chất, bền vững hơn, tăng thanh khoản, tiếp tục là kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết.

Ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích BSC cũng nhận định: Khi nền kinh tế được dự báo tăng trưởng ở mức độ tương đối tốt vào năm sau cùng tâm lý nhà đầu tư tích cực trở lại thì thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục hồi phục. Nhà đầu tư có thể tìm cơ hội tại những doanh nghiệp có câu chuyện tăng trưởng riêng. Điển hình như doanh nghiệp có sự thay đổi mạnh mẽ về mặt mô hình kinh doanh, hay những doanh nghiệp ít sử dụng vay nợ, có sự thay đổi về mặt chiến lược hoặc có thị trường mới.

Dự báo xu hướng VN-Index năm 2023, báo cáo Chứng khoán MBS cho rằng: Với nền lãi suất duy trì ở mức cao hơn sẽ gây khó khăn cho dòng vốn vào TTCK, áp lực điều chỉnh và rung lắc sẽ vẫn sẽ tiếp diễn nửa đầu năm 2023. “Trong kịch bản cơ sở, chỉ số VN-Index sẽ dao động trong khoảng 280 điểm từ 900 - 1.180 điểm là chính. Xu hướng khó khăn 6 tháng đầu năm nhưng tích cực hơn về 6 tháng cuối năm khi kỳ vọng áp lực lãi suất giảm bớt và kinh tế phục hồi trở lại. Kịch bản thận trọng, nếu suy thoái lớn bất ngờ xảy ra, VN-Index có thể về mức thấp nhất 780 điểm và dao động từ 780 - 1.080 điểm”, dự báo của MBS cho hay.

Để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trong năm 2023, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi chỉ đạo ngành Chứng khoán cần tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, sửa đổi Luật Chứng khoán, các Luật, văn bản có liên quan; tiếp tục phát triển TTCK về quy mô đồng thời tập trung nâng cao chất lượng thị trường, nâng cao năng lực tài chính, khả năng cạnh tranh của các tổ chức tham gia thị trường, chú trọng đổi mới, áp dụng, phát triển hệ thống công nghệ thông tin phục vụ cho công tác quản lý, giám sát thị trường; đảm bảo an toàn, ổn định hệ thống giao dịch, đưa hệ thống công nghệ thông tin mới vào hoạt động để đảm bảo sự đồng bộ về giao dịch và thanh toán tạo điều kiện triển khải các sản phẩm mới và tạo điều kiện thuận lợi cho công chúng đầu tư.

“Tổ chức triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, gắn với niêm yết trên TTCK để tăng quy mô và chất lượng hàng hóa cho TTCK; tăng cường giám sát, nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát TTCK và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật của thị trường nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư và hoạt động lành mạnh của doanh nghiệp. TTCK Việt Nam sẽ có một năm 2023 trở lại mạnh mẽ và phát triển cả về quy mô và chất lượng, tiếp tục là kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế và là công cụ quản lý vĩ mô hiệu quả của Chính phủ”, Thứ trưởng bày tỏ sự tin tưởng.

Bước sang phiên giao dịch đầu năm mới 3/1/2023, các chỉ số chính tăng từ khá sớm với mức tăng 16,41 điểm (+1,63) lên 1.023,50 điểm của VN-Index. Thanh khoản được cải thiện đáng kể. Phần lớn các cổ phiếu tăng tốt đều nằm trong số những mã đang có khối lượng giao dịch lớn nhất trên sàn như: DIG, VCG, LCG, HHV, FCN, KSB, DRH, VRE, DXG, GEX...
Bài, ảnh: Minh Phương/Báo Tin tức
Thị trường chứng khoán bước vào năm mới 2023 với nhiều kỳ vọng
Thị trường chứng khoán bước vào năm mới 2023 với nhiều kỳ vọng

Giới phân tích cho rằng, sau một năm vận động trong xu hướng giảm (downtrend) đã làm mặt bằng giá cổ phiếu giảm mạnh và trở nên hấp dẫn hơn, mặc dù thị trường trong năm tới sẽ còn phải đối diện với nhiều thách thức.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN