Chứng khoán Hong Kong dẫn đầu làn sóng tăng điểm ngày 5/1, tăng hơn 1% lên mức cao nhất trong 6 tháng. Cụ thể, chỉ số chứng khoán Hong Kong- Hang Seng tăng 1,3% lên 21.052,17 điểm. Các thị trường Thượng Hải, Tokyo, Singapore, Sydney, Seoul, Wellington, Đài Bắc và Manila cũng đồng loạt tăng điểm. Trong đó, chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo tăng 0,4% lên 25.820,80 và chỉ số chứng khoán tổng hợp Thượng Hải tăng 1% lên 3.155,22 vào thời điểm chốt ngày giao dịch 5/1.
Thị trường châu Á được tiếp sức nhờ những tín hiệu cho thấy Trung Quốc đang có những điều chỉnh chính sách để thu hút đầu tư, trong đó có việc tập đoàn công nghệ Ant Group được phép gọi vốn 1,5 tỷ USD. Trung Quốc cũng công bố những biện pháp mới nhằm hỗ trợ ngành bất động sản đang gặp nhiều khó khăn. Những động thái này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 vốn ảnh hưởng tới các hoạt động kinh tế tại nước này. Các diễn biến nêu trên khiến các nhà đầu tư ngày càng tin tưởng rằng nền kinh tế thứ 2 thế giới sẽ hồi phục sau 3 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, dù tình hình dịch bệnh lây lan mạnh trong những tuần gần đây cũng làm dấy lên những lo ngại về triển vọng kinh tế trong ngắn hạn. Chuyên gia phân tích thị trường Craig Erlam cho rằng những triển vọng kinh tế Trung Quốc trong trung hạn vẫn rất sáng, đặc biệt nếu Trung Quốc có thể hồi phục mạnh mẽ hơn trong năm nay.
Trước đó, thị trường chứng khoán phố Wall cũng có ngày giao dịch khởi sắc, dù các thông tin từ cuộc họp tháng 12 của Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (FED) cho thấy ngân hàng này có ý định tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Các nhà đầu tư đang đợi Mỹ công bố các dữ liệu việc làm vào cuối tuần này để có thêm căn cứ nhận định về tình hình nền kinh tế lớn nhất thế giới sau gần 1 năm FED thực hiện các đợt tăng lãi suất và lạm phát tăng. Trong biên bản họp định kỳ tháng 12 được FED công bố ngày 4/1, ngân hàng này có ý định tiếp tục tăng lãi suất và sẽ không nới lỏng chính sách này nếu lạm phát chưa được kiểm soát. Những thông tin trên tiếp tục khiến các nhà đầu tư chưa thể cởi bỏ lo ngại rằng FED sẽ chấp nhận để kinh tế rơi vào suy thoái.
Ngày 5/1, giá dầu thế giới cũng phục hồi nhẹ nhưng vẫn chịu áp lực sau khi giảm khoảng 9% trong 2 ngày giao dịch trước đó do tâm lý lo ngại nhu cầu giảm. Theo đó, giá dầu West Texas Intermediate tăng 0,9% lên mức 73,48 USD/thùng trong khi giá dầu Brent Biển Bắc tăng 0,8 % lên 78,48 USD/thùng.