Các thị trường trong khu vực đã được tận hưởng sự khởi đầu năm mới đầy suôn sẻ, chủ yếu nhờ tâm lý lạc quan khi Trung Quốc thông báo mở cửa trở lại và nhiều dấu hiệu cho thấy nước này đang “dịu giọng” trước một số vấn đề trong nước và địa chính trị.
Các thị trường chứng khoán châu Á giao dịch ngược chiều sau khi ba chỉ số chính của phố Wall đều giảm hơn 1%.
Tại Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei 225 tăng 0,6% lên 25.973,85 điểm.
Tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 0,2% xuống 21.012,20 điểm sau ba phiên tăng điểm, còn chỉ số Shanghai Composite trên sàn Thượng Hải tăng 0,1% lên 3.157,64 điểm, nhờ báo cáo cho thấy Trung Quốc đang cân nhắc nới lỏng các quy định cho vay nghiêm ngặt cho các nhà phát triển bất động sản.
Chứng khoán Singapore, Mumbai, Wellington và Manila giao dịch trong vùng đỏ, trong khi chứng khoán Sydney, Seoul, Bangkok và Jakarta giao dịch trong vùng xanh.
Ngoài ra, tâm lý lạc quan vẫn còn trên thị trường châu Á khi Trung Quốc dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa và các hạn chế nghiêm ngặt khác để ngăn ngừa dịch COVID-19 kéo dài gần ba năm.
Nhiều người kỳ vọng việc dỡ bỏ các hạn chế trên sẽ thúc đẩy ngành dịch vụ du lịch ở nhiều nước và Hong Kong là nơi được hưởng lợi chính khi sắp sửa mở cửa trở lại vào cuối tuần này.
Bên cạnh đó, số liệu cho thấy lĩnh vực tư nhân của Mỹ đã tạo ra nhiều việc làm hơn dự kiến trong tháng 12/2022, gây sức ép cho việc tăng lương, đồng nghĩa với việc Fed sẽ có nhiều việc để làm để ứng phó với lạm phát ở mức cao trong nhiều thập niên.
Một số quan chức cấp cao của Fed ngày 5/1 cũng đồng loạt cảnh báo ngân hàng này có thể sẽ phải duy trì việc tăng lãi suất trong năm 2023, một vài trong số đó đánh tiếng về mức lãi suất có thể tăng lên tới 5,4%. Biên bản cuộc họp chính sách tháng 12/2022 của Fed đã củng cố đồn đoán về việc thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa.
Tại thị trường Việt Nam, chỉ số VN-Index giảm 0,41% xuống 1.051,44 điểm, còn chỉ số HNX-Index giảm 1,15% xuống 210,65 điểm.