Giao hàng làm 'xấu mặt' người bán
Theo Bộ Công thương, dịch COVID-19 đã làm thay đổi thói quen tiêu dùng truyền thống, từ mua hàng trực tiếp sang mua trực tuyến. Đây là cơ hội nhưng cũng không ít thách thức cho doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng.
Thực tế cho thấy, các trang bán hàng trên mạng xã hội “mọc” lên như “nấm sau mưa”. Trong đó, sản phẩm tiêu dùng như rau củ quả, thủy hải sản… được bán khá nhiều, sẵn sàng giao tận nơi cho khách hàng có nhu cầu. Nhiều người kinh doanh nhỏ lẻ thừa nhận, đây được xem như kênh “kiếm cơm”, tăng thu nhập trong mùa dịch bệnh. Tuy nhiên, kênh bán hàng này cũng đang tiềm ẩn không ít rủi ro cho người tiêu dùng, bởi không ít người giao hàng (shipper) lại làm “xấu mặt” người bán hàng.
Chị Lê Vũ Thanh Vân, ngụ đường Trần Não, quận 2 bức xúc kể lại câu chuyện bị một shipper giao hàng có thái độ "bát nháo" khi giao hàng không báo trước, thậm chí còn mắng khách hàng: “Lúc tôi mua hàng, tôi đã dặn kỹ với người bán chỉ giao hàng sau 6 giờ chiều. Nếu shipper có tới giao hàng bàn ngày thì nhớ gọi trước vài giờ để tôi có thể nhờ hàng xóm nhận giúp, thế nhưng shipper không gọi trước khi giao mà tới nơi mới gọi điện, khiến tôi trong tình thế lưỡng nan, không kịp nhờ ai lấy giúp được. Khi khách hàng phàn nàn lại thì shipper gọi điện mắng tôi xối xả và cho rằng tôi muốn bùng đơn hàng”.
Mặt khác, gần đây còn có tình trạng shipper của một số thương hiệu lén trộm đồ, ăn vụng đồ ăn của khách, gây phản cảm. Anh L.M.T, ngụ quận 9, cho biết mới đây anh đã nhận được phàn nàn của khách hàng là hộp khô gà anh bán cho khách hàng là 1 kg, nhưng khi khách hàng nhận được chỉ còn lại 800 gram.
“Khi đưa hàng cho shipper giao hàng cho khách, hộp khô gà của tôi vẫn còn nguyên niêm phong 1 kg, không hiểu sao lúc đến tay khách hộp khô gà chỉ còn 800 gram. Sau vụ đó, tôi phải bù thêm phần thiếu cho khách hàng và còn khuyến mãi thêm 0,5 kg để khách hàng hài lòng. Từ đó, tôi cũng rút kinh nghiệm tự mình đi giao hàng chứ không thuê người giao nữa”, anh L.M.T cho biết thêm.
Thay đổi tư duy kinh doanh
Theo khảo sát của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, quy mô thương mại điện tử ở Việt Nam ước tính đạt mức 13 tỷ USD năm 2020, nhưng sự phát triển này kém bền vững. Trong đó, có 83% người tiêu dùng lo ngại sản phẩm kém chất lượng so với quảng cáo và lo ngại người giao hàng không đảm bảo, thái độ phục vụ thiếu chuyên nghiệp… Điều này đặt ra bài toán, cần xây dựng lại thái độ đội ngũ giao hàng để xây dựng niềm tin đối với người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến.
Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cũng cho biết, mặc dù khoảng 70% người mua hàng trực tuyến sử dụng hình thức thanh toán dịch COD - giao hàng mới trả tiền, nhưng tỷ lệ người mua hoàn trả sản phẩm đã đặt hàng trực tuyến còn cao, chiếm khoảng 30-40%.
Để tránh rơi vào cảnh “tiền mất tật mang” khi mua hàng trên các trang mạng, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, khuyến cáo người kinh doanh phải thay đổi tư duy, cách tiếp cận khách hàng theo hướng xem trọng chất lượng sản phẩm, giữ chữ tín với khách hàng. Nếu vẫn kinh doanh theo kiểu "chụp, giựt", chắc chắn doanh nghiệp sẽ không tồn tại được trong môi trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay. Đối với khách hàng, khi mua hàng cần tìm hiểu kỹ thông tin hàng hóa, sản phẩm, tránh để bị mất tiền oan và mua thêm bực mình.
Theo bà Phan Thị Việt Thu, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh, người tiêu dùng hãy mạnh mẽ chỉ đích danh các doanh nghiệp thường xuyên vi phạm bán hàng đến Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để được hỗ trợ. Trên hết, người tiêu dùng được quyền tẩy chay sản phẩm để doanh nghiệp "dỏm" để những doanh nghiệp này không còn đất sống. Đối với các nhà quản lý, cần đẩy mạnh kiểm soát, kiểm tra nguồn gốc xuất xứ các mặt hàng được rao bán trên các trang thông tin mua sắm trực tuyến... để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.