Ông Nguyễn Văn Hồng, nông dân trồng thanh long tại xã Vĩnh Công, huyện châu Thành (Long An) phấn khởi cho biết, ông trồng thanh long ruột đỏ trên diện tích 4 ha. Hiện có 3,5 ha thanh long cho quả trái vụ với năng suất bình từ 12 - 15 tấn/ha. Giá thanh long đang ở mức 35.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông Hồng lãi từ 250 - 350 triệu đồng ha.
Long An hiện có hơn 11.000 ha thanh long, chủ yếu tập trung ở huyện Châu Thành với diện tích trồng gần 9.000 ha. Từ năm 2011, do hiệu quả kinh tế cao, diện tích trồng thanh long tăng rất nhanh. Người dân từng bước cải tạo vườn từ trồng bằng trụ sống chuyển sang trồng bằng trụ bê tông kết hợp với đầu tư thâm canh tăng năng suất. Đến nay, Long An có gần 1.700 ha thanh long ứng dụng công nghệ nghệ cao, đạt hơn 80% so với kế hoạch đề ra.
Tỉnh đã xây dựng 9 hợp tác xã, 70 tổ hợp tác xã trong vùng thực hiện đề án; trong đó, hợp tác xã Dương Xuân, xã Dương Xuân Hội (huyện Châu Thành) làm điểm của tỉnh về sản xuất thanh long ứng dụng công nghệ cao.
Ông Nguyễn Thanh Truyền - Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An cho biết, đến năm 2020, tỉnh phấn đấu có 2.000 ha thanh long ứng dụng công nghệ cao. Tỉnh vận động nông dân sản xuất theo hướng VietGAP; xây dựng tổ hợp tác và hợp tác xã gắn với quá trình xây dựng nông thôn mới. Các ngành chuyên môn tích cực xây dựng thương hiệu thanh long Châu Thành gắn với chứng nhận VietGAP và thực hiện mã vạch có truy xuất nguồn gốc.
Ngoài ra, Long An tăng cường quản lý quy hoạch vùng sản xuất thanh long, tập trung theo hướng nâng cao chất lượng và đầu ra của sản phẩm. Tỉnh không khuyến cáo mở rộng diện tích ở những vùng không nằm trong quy hoạch, thiếu điều kiện để sản xuất. Đồng thời, tỉnh nghiên cứu, đầu tư công nghệ chế biến bảo quản sau thu hoạch thanh long; vận dụng, hệ thống và đề xuất một số chính sách để hỗ trợ nhà vườn, doanh nghiệp tham gia sản xuất, tiêu thụ, chế biến thanh long.