Tuy nhiên, những biến động trên thị trường tiền tệ đến nay phần lớn đã được kiềm chế.
Lỗi bản cập nhật phần mềm của công ty an ninh mạng toàn cầu CrowdStrike đã làm tê liệt hàng loạt dịch vụ từ ngành tài chính đến du lịch, các lĩnh vực dịch vụ công, chăm sóc sức khỏe... trong nhiều giờ của ngày 19/7. Vụ việc này nêu bật những rủi ro trong tiến trình chuyển đổi kỹ thuật số và tăng cường kết nối công nghệ trên toàn cầu.
Nhờ một loạt dữ liệu khả quan phát đi từ nền kinh tế Mỹ và tâm lý lo ngại về sự cố của CrowdStrike, chỉ số USD đang trên đà tăng hai ngày liên tiếp, giúp đồng bạc xạnh hướng tới mức tăng hàng tuần đầu tiên trong ba tuần qua.
Chỉ số USD, đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh trong rổ tiền tệ quốc tế, đã tăng 0,24%, đạt mức 104,39 vào ngày 19/7 và tăng 0,3% tính theo tuần.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ đưa ra thông báo chính sách tiếp theo vào cuối tháng Bảy này. Công cụ đo lường FedWatch của CME cho biết các thị trường rất ít kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất ít nhất 25 điểm cơ bản trong cuộc họp cuối tháng này. Phần lớn tin rằng động thái điều chỉnh lãi suất sẽ bắt đầu tại cuộc họp tháng Chín tới.
Trong tuần này, đồng yen của Nhật Bản đã lấy lại được một ít giá trị so với đồng USD, sau khi Chính phủ Nhật Bản được cho là đã tiến hành mua nội tệ vào tuần trước và có thể đã có sự can thiệp từ Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) vào đầu tuần này.
Chốt phiên ngày 19/7, đồng USD đã tăng 0,07%, đạt 157,48 yen/USD. Tuy nhiên, tính chung cho cả tuần, đồng USD giảm 0,24% so với đồng yen.
Đồng yen đã giảm giá hơn 10% so với đồng USD tính từ đầu năm đến nay, phần lớn là do sự chênh lệch về lãi suất giữa Mỹ và Nhật Bản. Đồng yen đã chạm mức thấp nhất trong 38 năm vào đầu tháng Bảy này. Các quan chức Nhật Bản đã nhiều lần lên tiếng cho biết có thể sẽ can thiệp vào thị trường tiền tệ để ngăn chặn sự mất giá hơn nữa của đồng yen.
Trong khi đó, đồng euro đã giảm 0,16%, dừng ở mức 1,0878 USD/euro, sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tuyên bố giữ nguyên lãi suất cơ bản tại cuộc họp tháng Bảy.