Theo Thống đốc NHNN, Thông tư sẽ là cơ sở pháp lý giúp các tổ chức tín dụng (TCTD) triển khai hỗ trợ kịp thời các doanh nghiệp, khách hàng bị ảnh hưởng kinh tế bởi dịch COVID-19.
Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục đã báo cáo với Ban lãnh đạo NHNN nội dung dự thảo Thông tư quy định về TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Quan điểm xây dựng dự thảo để ban hành Thông tư là tạo điều kiện tối đa về thẩm quyền trách nhiệm để các TCTD phối hợp cùng với khách hàng vay vốn xem xét quyết định mức độ thời gian, hỗ trợ doanh nghiệp tái cơ cấu các khoản vay, các khó khăn do tác động của dịch bệnh. Thông tư mới cũng sẽ làm rõ trách nhiệm của các TCTD và khách hàng vay vốn khi thực hiện chính sách hỗ trợ này, đảm bảo đúng đối tượng, tính khách quan và không được lợi dụng.
Trước ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, trong thời gian hoàn thiện Thông tư, NHNN đã chủ động ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các TCTD rà soát, đánh giá mức độ ảnh hưởng, thiệt hại của khách hàng do dịch để kịp thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn.
Theo dự thảo Thông tư, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay đối với các khoản nợ phát sinh từ hoạt động cấp tín dụng thuộc một trong các trường hợp sau: Thứ nhất, khoản nợ chưa chuyển nợ quá hạn mà khách hàng được đánh giá không có khả năng trả đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng đã ký do chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 bao gồm cả các khoản nợ thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (đã được sửa đổi, bổ sung);
Thứ hai, khoản nợ đã chuyển nợ quá hạn trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày Thông tư được ký ban hành do chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tổng thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định trên không vượt quá thời gian cấp tín dụng ban đầu theo hợp đồng đã ký.
Tuy nhiên, cũng theo dự thảo Thông tư này, TCTD được quyền quyết định, chịu trách nhiệm về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, nhưng phải đảm bảo một số nội dung như: Có quy định nội bộ về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ.
Trong đó, quy định cụ thể về tiêu chí xác định khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhiệm vụ, trách nhiệm của cá nhân, bộ phận trong việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ để thực hiện thống nhất trong toàn hệ thống.
Đồng thời phải theo dõi, kiểm tra, kiểm soát, giám sát đối với các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, đảm bảo giám sát chặt chẽ, an toàn, phòng ngừa và ngăn chặn việc lợi dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ để trục lợi, phản ánh sai lệch chất lượng tín dụng…
Trước đó, ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ tín dụng và các ngành kinh tế (NHNN) cho hay: Theo báo cáo của các ngân hàng thương mại, đến nay đã có khoảng 30 ngân hàng với tổng số tiền khoảng 285.000 tỷ đồng hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đây là các gói tín dụng mà ngân hàng chủ động dùng nguồn vốn của mình để tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng. Cách đây 1 tháng, các ngân hàng chủ động miễn giảm lãi vay từ 0,5 - 2%/năm, giãn nợ cho đối tượng khách hàng lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, xuất khẩu... đến hết ngày 30/4.
"Đến thời hạn trả lãi vay, nợ gốc mà chưa có nguồn tiền để trả, xác định khách hàng bị khó khăn do dịch bệnh này thì ngân hàng sẽ cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ. Ngoài ra, các ngân hàng cũng giảm các phí như giao dịch chuyển khoản cho khách...Về cho vay dự án mới, các ngân hàng cũng tích cực triển khai, hỗ trợ giải ngân kịp thời cho vay các dự án vay như: BOT, vay phục vụ sản xuất kinh doanh nhu yếu phẩm trong nước", ông Nguyễn Quốc Hùng nói.