Tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải tăng 2,9% lên 3.261,56 điểm; còn chỉ số Hang Seng tại Hong Kong tăng 3,3% lên 20.707,49 điểm.
Theo số liệu chính thức, trong quý III/2024, kinh tế Trung Quốc tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn dự kiến trước đó của các nhà phân tích. Dù vậy, đây vẫn là mức tăng trưởng thấp nhất trong một năm rưỡi qua, do sự chậm lại của chi tiêu tiêu dùng và những khó khăn dai dẳng trong ngành bất động sản. Trước đó, các nhà đầu tư đã kêu gọi các nhà lãnh đạo Trung Quốc đưa ra các kế hoạch cụ thể hơn cho nền kinh tế sau loạt thông báo về gói kích thích vào tháng trước.
Giá cổ phiếu tại Trung Quốc gia tăng nhờ kỳ vọng chính phủ sẵn sàng hành động để hỗ trợ nền kinh tế. Bên cạnh đó, thị trường cũng hoan nghênh động thái Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã triển khai hai cơ chế cấp vốn và ban đầu sẽ bơm 800 tỷ NDT (112,38 tỷ USD) vào thị trường chứng khoán thông qua các công cụ chính sách tiền tệ mới.
Nhà kinh tế Harry Murphy Cruise, tại Moody's Analytics, cho rằng những biện pháp hỗ trợ mới rất đáng hoan nghênh và có thể giúp Trung Quốc đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm.
Tuy nhiên, ông Cruise lưu ý vẫn nhiều biện pháp hơn nữa để giải quyết những vấn đề về mặt cấu trúc trong nền kinh tế. Nếu không, bất động sản sẽ vẫn là lực cản cho đến năm 2025 và các hộ gia đình sẽ có ít động lực để tăng chi tiêu.
Cùng đà tăng, tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 của thị trường Tokyo tăng 0,2% lên 38.981,75 điểm nhờ đà giảm của đồng yen.
Đồng USD vượt mức 150 yen lần đầu tiên kể từ đầu tháng 8/2024 trong phiên 17/10 tại New York, sau khi số liệu mới cho thấy doanh số bán lẻ tại Mỹ mạnh hơn dự kiến và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hạ lãi suất.
Các nhà giao dịch gần đây đã mua vào đồng USD trước khả năng chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Nhật Bản sẽ vẫn lớn sau khi số liệu kinh tế của Mỹ vững chắc.
Tại Việt Nam, chỉ số VN-Index giảm 1,06 điểm (0,08%) xuống 1.285,46 điểm, còn chỉ số HNX-Index giảm 0,91 điểm (0,4%) xuống 229,21 điểm.