Sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ khi lạm phát được kiểm soát?

Báo cáo của Nhóm phân tích thuộc Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI Research) phân tích: Trong giai đoạn khó khăn hiện nay của COVID-19, thời gian tới không loại trừ khả năng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ cùng với đó là ban hành thông tư sửa đổi Thông tư 03/2021/TT-NHNN (Thông tư 03) theo hướng kéo dài thời gian cơ cấu nợ thêm 6 tháng; có thể tiếp tục lùi thời gian áp dụng quy định tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn.

Chú thích ảnh
VPBank áp dụng Dịch vụ đặt lịch hẹn online cho khách tới ngân hàng trong mùa dịch COVID-19. Ảnh: Sao Mai.

Theo SSI Research, các biện pháp hỗ trợ có thể bao gồm: Giảm lãi suất điều hành và trần lãi suất huy động 6 tháng; ban hành Thông tư sửa đổi Thông tư 03 như: Kéo dài thời hạn trích lập dự phòng; mở rộng phạm vi cơ cấu nợ xấu hỗ trợ cho nhóm ngân hàng và có thể tiếp tục lùi thời gian có hiệu lực của Thông tư quy định tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn.

Lạm phát thời gian qua ở mức thấp giúp chính sách tiền tệ duy trì nới lỏng xuyên suốt tháng 8/2021. Báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê cho biết: Tính chung 8 tháng năm 2021, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,79% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.

Báo cáo SSI Research cho rằng: Việc gia tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng tháng 7/2021 đã giúp các ngân hàng thương mại (NHTM) tiếp tục có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp thông qua hạ lãi suất cho vay trung bình giảm từ 0,3 - 1,5 điểm phần trăm) hoặc các gói cho vay lãi suất ưu đãi (lãi suất cho vay từ 4%/năm). Nhìn chung, thanh khoản hệ thống trong tháng 8 duy trì dồi dào nhờ khối lượng lớn hợp đồng mua kỳ hạn USD 6 tháng đáo hạn. 

Từ góc độ cơ quan quản lý, NHNN đang khẩn trương sửa đổi Thông tư 01, Thông tư 03 cho phù hợp với diễn biến thực tế, tạo điều kiện cho ngân hàng mở rộng phạm vi và kéo dài thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi suất, phí và giữ nguyên nhóm nợ để hỗ trợ khách hàng.

Ông Lê Duy Hải - Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp VietinBank cho biết: Để hỗ trợ doanh nghiệp, VietinBank đã dành 20.000 tỷ đồng tín dụng, lãi suất từ 4%/năm, thấp hơn mức trần cho vay lĩnh vực ưu tiên để hỗ trợ doanh nghiệp ở các địa phương đang thực hiện giãn cách. Các khoản giải ngân mới hay vay cũ cũng được giảm đến 1%/năm so với lãi suất thông thường.

“Gói tín dụng ưu đãi này được áp dụng cho các doanh nghiệp có trụ sở, cơ sở sản xuất, kinh doanh tại 19 tỉnh, thành phía Nam đang bị giãn cách hoạt động hoặc mục đích vay vốn thuộc các ngành nghề bị ảnh hưởng nghiêm trọng như dệt may, da giày, vật tư y tế, thương mại phân phối, bán lẻ, lúa gạo, thủy sản, vật tư nông nghiệp”, ông Lê Duy Hải cho biết.

Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng và lợi suất trái phiếu duy trì ở mức thấp, trong khi lãi suất huy động tăng nhẹ từ 10 - 30 điểm cơ bản ở một số ngân hàng ở kỳ hạn trên 12 tháng dưới áp lực của Thông tư điều chỉnh tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, có hiệu lực vào tháng 10/2021. Theo SSI, áp lực lạm phát thời gian tới chưa lớn, khi nhu cầu tiêu dùng vẫn ở mức yếu. Ngay cả trường hợp dịch được kiểm soát và mặt bằng giá tăng nhanh sau đó, Bộ Tài chính ước tính CPI mỗi tháng còn có dư địa tăng trên 1% so với tháng trước, đảm bảo kiểm soát theo mục tiêu đề ra là 4%. SSI dự báo: Lạm phát năm 2021 của Việt Nam ở mức 3%, thấp hơn nhiều so với lạm phát mục tiêu của Chính phủ đặt ra và tạo ra nhiều dư địa cho chính sách tiền tệ.

Mới đây, Hiệp hội Doanh nghiệp bất động sản Thành phố (TP) Hồ Chí Minh đã kiến nghị NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 01 và Thông tư 03 về miễn giảm lãi vay, cơ cấu lại nợ, theo hướng các NHTM xem xét giảm khoảng 2 điểm % lãi suất cho vay với khách hàng, gồm cả hộ gia đình, cá nhân vay mua nhà, do khó khăn vì dịch COVID-19 kéo dài.

Theo NHNN, tín dụng của toàn hệ thống vừa qua tăng gần 7% so với cuối năm trước. Mặc dù vẫn được đánh giá mức tăng là tích cực trong bối cảnh dịch bệnh, nhưng theo dự báo của giới chuyên gia ngân hàng, việc tiếp tục thực hiện giãn cách tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam sang tới tháng 9/2021 sẽ tác động không nhỏ đến tăng trưởng tín dụng.

 

Minh Phương/Báo Tin tức
Tháo gỡ những 'nút thắt' trong thực hiện Thông tư 03
Tháo gỡ những 'nút thắt' trong thực hiện Thông tư 03

Mở rộng thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo hướng phù hợp hơn với nguồn thu, dòng tiền của khách hàng; trong thời gian phong tỏa, cách ly cho phép khách hàng có khoản nợ đến hạn tạm hoãn việc trả nợ; khoanh nợ đối với dư nợ được cơ cấu...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN