Cụ thể, tại thời điểm 8 giờ 50 phút, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) công bố giá vàng miếng SJC ở mức 84 - 86 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 1 triệu đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Tương tự, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI công bố giá bán vàng miếng SJC ở mức 84 - 86 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 1 triệu đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua. Chênh lệch giá mua - bán vàng SJC tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), Tập đoàn DOJI ở ngưỡng 2 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên, trong khi giá vàng miếng SJC tăng mạnh, giá vàng nhẫn đi ngang. Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 82,95 - 83,85 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giữ nguyên mức giá niêm yết ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua. Chênh lệch giá mua - bán vàng vàng nhẫn tại Tập đoàn DOJI ở ngưỡng gần 1 triệu đồng/lượng.
Trước đó, giá vàng giao ngay tăng 0,5% lên 2.663,83 USD/ounce vào lúc 1 giờ sáng 16/10 (giờ Việt Nam). Giá vàng kỳ hạn của Mỹ chốt phiên tăng 0,5% ở mức 2.678,9 USD/ounce.
Theo công cụ CME FedWatch, hiện các nhà giao dịch nhận định xác suất Fed cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản vào tháng 11/2024 là khoảng 90%.
Thị trường sẽ tập trung vào dữ liệu bán lẻ, sản xuất công nghiệp và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần của Mỹ dự kiến được công bố trong tuần này để tìm định hướng giao dịch.
Vàng thường được coi là một kênh đầu tư an toàn trong bối cảnh có nhiều bất ổn về chính trị và kinh tế.
Ngân hàng Commerzbank nhận định, nếu các thông tin trên truyền thông là đúng và Israel kiềm chế không tấn công các cơ sở dầu mỏ và hạt nhân của Iran, rủi ro địa chính trị sẽ giảm bớt và sự hỗ trợ cho giá vàng từ diễn biến này cũng sẽ phai nhạt. Commerzbank dự báo giá vàng sẽ ở mức 2.600 USD/ounce vào cuối năm nay.