Sản xuất gạo ngon để tăng thu nhập cho nông dân

Để gạo Việt Nam nâng cao giá trị hơn trên thị trường thế giới thì doanh nghiệp và người nông dân cần xem lại cơ cấu giống lúa sản xuất cho phù hợp.

Xuất khẩu gạo của các quốc gia Đông Nam Á đang gặp nhiều khó khăn, giá gạo đứng ở mức thấp khiến nhiều doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu của Việt Nam cũng điêu đứng. Trước bối cảnh cung đang vượt cầu như hiện nay thì nhiều địa phương, doanh nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long đã chuyển đổi sang trồng các giống lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu.

Cần thêm nhiều giống lúa chất lượng cao

Vì tình trạng nguồn cung gạo xuất khẩu ngày càng gia tăng, nhiều quốc gia cũng tham gia xuất khẩu gạo và có giá cạnh tranh hơn đã đạt ra cho hạt gạo Việt Nam bài toán giải quyết thị trường sao cho hiệu quả. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng định hình dần hướng đi trên con đường xuất khẩu, chủ động mở rộng thị trường, tìm hợp đồng thương mại cho hạt gạo chất lượng cao thay vì trông chờ vào các hợp đồng tập trung, hợp đồng Chính phủ.

Theo dõi quá trình sinh trưởng của giống lúa chịu mặn tại nhà thực nghiệm. Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN

Theo ông Phạm Thanh Thọ, Phó giám đốc ngành lương thực, Tập đoàn Lộc Trời (tỉnh An Giang), xuất khẩu gạo phải xuất phát từ nhu cầu thị trường thay vì tập trung vào cách làm truyền thống như những năm qua. Nhu cầu của thị trường hiện nay là các loại gạo thơm chất lượng cao như OM 5451, các giống ST cao cấp, mà những loại gạo này Việt Nam lại không đủ số lượng để cung cấp. Trong khi đó, những loại gạo phẩm cấp thấp lại sản xuất dư thừa. Vì vậy, để gạo Việt Nam nâng cao giá trị hơn trên thị trường thế giới thì doanh nghiệp và người nông dân cần xem lại cơ cấu giống lúa sản xuất cho phù hợp.

Hiện nay cũng đã có nhiều trung tâm sản xuất ra các giống lúa chất lượng cao phù hợp với yêu cầu của các thị trường nhập khẩu “khó tính”. Vấn đề còn lại là mở rộng sản xuất những giống này sao cho hiệu quả. Theo bà Nguyễn Thị Bắp, Phó trại giống cây trồng Long Phú, Trung tâm giống cây trồng Sóc Trăng, trại giống Long Phú khảo nghiệm giống lúa mới 2 vụ/năm để sản xuất những giống lúa chất lượng cao phục vụ cho xuất khẩu như OM 5451, ST 20, ST5. Những giống lúa này có đặc tính thơm, chất lượng cao, đồng thời phù hợp với đồng đất bị nhiễm mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay. Riêng giống ST5 chịu mặn đến ngưỡng 3 phần nghìn mà năng suất vẫn cao.

Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Định Thành, An Giang dành 15 ha để nghiên cứu giống lúa chất lượng cao phục vụ cho xuất khẩu vào những thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Trong cuộc thi gạo ngon thế giới năm 2015, giống lúa Lộc Trời 1 của Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành đã đứng vị trí thứ 3 trong các loại gạo ngon nhất thế giới. Do đó, nhiều nước nhập khẩu đã đặt hàng và không đủ số lượng để bán.

Theo TS Dương Văn Chín, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Định Thành, hiện nay, ngoài giống lúa Lộc Trời 1, trung tâm cũng mở rộng sản xuất giống lúa Lộc Trời 3 và nhiều giống lúa chất lượng cao khác có giá xuất khẩu từ 600 USD-700 USD/tấn gạo. Để có được nguồn nguyên liệu gạo chất lượng cao thì doanh nghiệp phải phối hợp và hướng dẫn nông dân sản xuất theo yêu cầu của khách hàng mới điều chỉnh nguồn cung ra thị trường.

Chuyển đổi để sử dụng đất hiệu quả hơn

Kiểm tra chất lượng giống lúa lai tạo chịu mặn trên ruộng thực nghiệm của Viện Lúa ĐBSCL. Ảnh: Tràng Dương/TTXVN

Sản xuất lúa chất lượng cao cần phải phối hợp nhiều yếu tố như giống, đặc tính thổ nhưỡng, khí hậu, kĩ thuật sản xuất. Do đó, không phải vùng nào cũng có thể sản xuất được. Tuy nhiên, khi gạo chất lượng cao được khách hàng lựa chọn thì nâng cao giá trị hạt gạo, nông dân sản xuất ít hơn vẫn có lợi nhuận cao, thay vì phải bán số lượng nhiều như trước đây.


Theo ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Intimex, trên thế giới, vấn đề lương thực được phân chia rõ ràng với nhiều loại như lúa gạo, lúa mì, lúa mạch, khoai nên số người sử dụng gạo chỉ chiếm một phần. Do đó, nếu tập trung vào vấn đề an ninh lương thực mà thiếu quy hoạch lợi ích kinh tế cho nông dân Việt Nam thì họ sẽ gặp khó khăn khi sản xuất dư thừa. Sản xuất gạo chất lượng cao giúp việc tiêu thụ và cạnh tranh dễ dàng hơn, người sản xuất cũng được lợi nhuận nhiều dù bán với số lượng ít. Vì vậy, để người nông dân không phải đối diện với tồn hàng, mất giá thì phải có quy hoạch sản xuất lúa chất lượng cao, giảm số lượng lúa chất lượng thấp. Đồng thời, chuyển đổi diện tích sản xuất lúa sang những loại cây trồng khác có giá trị cao để mang lại lợi nhuận cao nhất cho nông dân trên cùng một diện tích sản xuất.

Tỉnh Đồng Tháp là một trong những khu vực sản xuất lúa phục vụ cho xuất khẩu. Bên cạnh việc phối hợp với các viện, trường đại học để sản xuất giống lúa đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, Đồng Tháp cũng quy hoạch quỹ đất sản xuất cây ăn quả hiệu quả, kinh tế vượt trội hơn so với lúa phẩm cấp thấp, gây dư thừa, khó bán.

Theo ông Nguyễn Thành Tài, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đồng Tháp, tỉnh cũng đã đưa và sản xuất 6.000 ha hoa trong nhà màng, 1.000 ha sen xen canh lúa để giảm vụ, 700 ha mặt nước nuôi tôm càng xanh vừa giúp nông dân luân phiên loại hình sản xuất, vừa tăng hiệu quả kinh tế và thu nhập. Đồng thời đây cũng là giải pháp giảm vụ lúa, tránh dư thừa, mất giá cho nông dân.

Vì vậy, sản xuất lúa chất lượng cao, chuyển sang cây trồng khác có thể giúp nông dân thu nhập cao hơn, tránh được khủng hoảng thừa khi xuất khẩu và sử dụng đất cũng hiệu quả hơn trước.

Hồng Nhung (TTXVN)
Nâng “chất” và giá trị cho gạo Việt
Nâng “chất” và giá trị cho gạo Việt

Hiện các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu gạo đang phải tự cạnh tranh để có được các hợp đồng khi chuyển sang phân khúc thị trường gạo chất lượng cao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN