Theo ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thời gian qua đã có một số trường hợp người sử dụng ví điện tử bị lộ thông tin. Qua nghiên cứu của NHNN, với những tài khoản thanh toán tại ngân hàng hoặc thẻ ghi nợ, cần phải làm rõ kê khai xác minh danh tính, đến ngày 7/7 sẽ hết hạn.
“Chúng tôi khẳng định, các tổ chức có chức năng trung gian thanh toán (TGTT) phải có trách nhiệm bảo toàn thông tin thanh toán cho khách hàng; khuyến cáo người dân sử dụng dịch vụ này không nên cung cấp hoặc để lộ, lọt thông tin của mình cho những người không tin tưởng”, Phó Thống đốc NHNN nói.
Theo chị Nguyễn Lê Phương Ngọc (số 3/32 An Dương, Quận Tây Hồ, Hà Nội), gần đây chị Ngọc liên tục nhận được tin nhắn yêu cầu bổ sung thông tin cá nhân từ phía ví điện tử. Một số ví còn yêu cầu phải chụp ảnh cá nhân trước khi sử dụng dịch vụ khiến người dùng ví điện tử lo lắng về an toàn thông tin. Trước lo lắng của người dùng về bảo mật thông tin, chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: Nếu mở tài khoản ở ngân hàng, ngân hàng sẽ quản lý chặt chẽ thông tin của người dùng. Việc lộ thông tin cá nhân người dùng một cách có chủ đích rất khó xảy ra.
Theo thông tin từ ví điện tử MoMo, việc chụp và cung cấp Chứng minh nhân dân/hộ chiếu là quy định bắt buộc và vô cùng đơn giản, giúp người dùng khẳng định quyền sở hữu đối với tài khoản, tăng cường bảo mật tối đa khi sử dụng. MoMo cam kết tất cả thông tin người dùng cung cấp chi sử dụng cho mục đích duy nhất là xác minh tính chính danh của tài khoản và không cung cấp thông tin cá nhân của khách hàng cho bất kỳ bên thứ 3 nào. Bên cạnh đó, hoàn tất việc xác thực tức người dùng đã hỗ trợ cơ quan quản lý trong công tác phòng chống tội phạm, đảm bảo an ninh tiền tệ quốc gia.
Theo quy định của NHNN tại Thông tư 23/2019/TT-NHNN ngày 22/11/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2014/TT-NHNN về dịch vụ trung gian thanh toán, sau ngày 7/7, những tài khoản ví điện tử chưa xác thực sẽ bị tạm khóa dịch vụ.
Chủ sở hữu ví điện tử có thể giao dịch trở lại sau khi hoàn tất việc xác thực theo các hình thức quy định tại điểm c và d khoản 1 Điều 9 Thông tư 23. Tiền trong ví điện tử của người dùng được bảo toàn, hoặc dễ dàng rút về tài khoản ngân hàng liên kết bất kỳ lúc nào.
Các tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT phải tuân thủ các nguyên tắc quản lý rủi ro trong hoạt động ngân hàng điện tử; thực hiện các yêu cầu đảm bảo an toàn, bảo mật hệ thống công nghệ thông tin và quy định về an toàn, bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ ngân hàng trên Internet. NHNN sẽ thường xuyên theo dõi, giám sát, cảnh báo, chỉ đạo các tổ chức TGTT thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động; đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra TGTT để phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm quy định pháp luật.
Theo Ths Lê Văn Tuyên, qua nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước cho thấy, quan điểm và cách thức quản lý dịch vụ ví điện tử tại các quốc gia có nhiều điểm khác nhau về việc: yêu cầu ví điện tử phải liên kết với tài khoản ngân hàng; các kênh cho phép để thực hiện việc nạp vào/rút tiền ra từ ví điện tử; quy định về phân loại ví điện tử; nhận diện, xác thực khách hàng (KYC).
Tùy theo tình hình thực tế, mức độ rủi ro, mục tiêu và định hướng quản lý của từng quốc gia dẫn tới quan điểm khác nhau về quản lý ví điện tử, như: Kiểm soát chặt chẽ hoạt động ví điện tử, quy định ví điện tử phải liên kết với tài khoản ngân hàng và yêu cầu các tổ chức cung ứng ví điện tử phải thực hiện các cách thức, biện pháp xác thực khách hàng khác nhau để đưa ra hạn mức cho từng cấp độ ví điện tử; tăng cường công tác KYC với việc đưa ra quy định phân loại tài khoản ví điện tử theo cấp độ tài khoản nhằm mục đích giảm thiểu rủi ro trong quá trình giao dịch của khách hàng; không yêu cầu ví điện tử phải liên kết với tài khoản ngân hàng; cho phép việc rút tiền mặt tại các đại lý.