Thị trường chứng khoán Mỹ chỉ có bốn phiên giao dịch trong tuần này do nghỉ lễ Quốc khánh ngày 4/7. Tuy nhiên, Phố Wall liên tục “bừng sắc xanh” trong hầu hết các phiên giao dịch còn lại trong tuần.
Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) được theo dõi chặt chẽ hàng tháng do công ty nghiên cứu thị trường S&P Global (Mỹ) tổng hợp đã giảm từ mức 54,8 vào tháng Năm xuống 52,0 trong tháng Sáu. Tuy chỉ số này vẫn trên ngưỡng 50 phân cách giữa tăng trưởng và suy giảm, đây là mức thấp nhất trong 16 tháng qua.
Các nhà quan sát thị trường cho hay nhà đầu tư hoan nghênh lập trường cứng rắn của Fed đối với vấn đề lạm phát, dù cho nhà phân tích Patrick O'Hare của Briefing.com lưu ý rằng Fed chỉ đang nhắc lại quan điểm của mình trong các tuyên bố gần đây.
Biên bản từ cuộc họp chính sách tháng Sáu của Fed cho thấy một sự tái khẳng định vững chắc về ý định kiểm soát giá cả của ngân hàng này. Tuy nhiên, các quan chức Fed thừa nhận rủi ro tăng lãi suất có tác động "lớn hơn dự đoán" đối với tăng trưởng kinh tế và đánh giá rằng mức tăng 0,50 điểm phần trăm hoặc 0,75 điểm phần trăm có thể sẽ phù hợp tại cuộc họp chính sách vào tháng Bảy.
Giọng điệu bớt “cứng rắn” hơn đã được lặp lại trong các bình luận của Thống đốc Fed Christopher Waller vào ngày 7/7. Điều đó được một số người coi là tín hiệu để đổ tiền vào các kênh đầu tư rủi ro.
Thị trường chứng khoán Mỹ dường như đã ổn định trong tháng Bảy sau đợt bán tháo dữ dội trong nửa đầu năm nay, giữa bối cảnh lạm phát gia tăng, xung đột Nga-Ukraine và việc Fed chuyển hướng khỏi chính sách nới lỏng tiền tệ.
Đà tăng trong phiên 7/7 cũng đánh dấu lần đầu tiên trong tháng này, chỉ số S&P 500 đã đóng cửa với “sắc xanh” bốn phiên liên tiếp, sau khi ghi nhận mức giảm mạnh nhất tính theo tỷ lệ phần trăm trong nửa đầu năm nay kể từ năm 1970. Cho đến thời điểm này của năm 2022, chỉ số S&P 500 vẫn chưa đạt được chuỗi 5 phiên tăng liên tiếp nào.
Tới phiên giao dịch cuối tuần ngày 8/7, Phố Wall đã chứng kiến xu hướng tăng giảm bất nhất, song biên độ dao động nhẹ vẫn giúp cả ba chỉ số đi lên trong cả tuần.
Đáng chú ý, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite duy trì đà tăng điểm phiên thứ 5 liên tiếp, khi nhà đầu tư phản ứng với báo cáo việc làm của Mỹ mạnh hơn dự kiến, điều này có khả năng sẽ giúp Fed theo đuổi chính sách nâng lãi suất một cách tích cực.
Kết thúc phiên cuối tuần, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 46,40 điểm (0,15%), xuống 31.338,15 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng hạ 0,08%, xuống 3.899,38 điểm. Còn chỉ số Nasdaq Composite lại lần đầu tiên kể từ đầu năm nay đạt chuỗi 5 phiên đi lên liên tiêp, tăng 0,12%, lên 11.635,31 điểm. Tính chung cả tuần qua, Nasdaq Composite tăng 4,6%, còn S&P 500 tăng 1,9% và Dow Jones cộng 0,8%.
Theo báo cáo mới nhất từ Bộ Lao động Mỹ, tăng trưởng việc làm của Mỹ cao hơn dự kiến trong tháng Sáu với tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở gần mức thấp trước đại dịch là những dấu hiệu của một thị trường lao động “khỏe mạnh”, cho phép Fed tiếp tục đà tăng lãi suất vào cuối tháng này.
Báo cáo việc làm được Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 8/7 cho thấy nền kinh tế đã có thêm 372.000 việc làm vào tháng Sáu, cao hơn mức 268.000 việc làm do giới chuyên gia dự báo. Số liệu cho tháng Năm đã được điều chỉnh giảm nhẹ xuống 384.000 việc làm thay vì 390.000 việc làm được tạo ra theo báo cáo trước đó.
Mức tăng lớn hơn dự kiến của tháng Sáu đã thúc đẩy nền kinh tế tiến gần hơn đến việc phục hồi tất cả số việc làm bị mất đi trong đại dịch. Tỷ lệ thất nghiệp không đổi ở mức 3,6% trong tháng thứ tư liên tiếp.
Giám đốc chiến lược đầu tư Yung-Yu Ma của BMO Wealth Management chia sẻ rằng, báo cáo việc làm và đà suy giảm gần đây của giá hàng hoá đã tạo ra cái gọi là “cú hạ cánh mềm” đối với nền kinh tế Mỹ, qua đó thúc đẩy giá cổ phiếu.
Nhóm cổ phiếu y tế là một trong những nhóm có thành quả vượt trội trên thị trường. Cổ phiếu Centene Corp. và McKesson đều tăng hơn 3%, trong khi cổ phiếu nhà sản xuất vaccine COVID-19 Moderna và Regeneron đều tiến hơn 2%. Cổ phiếu Tesla cộng 2,5%. Cổ phiếu các công ty sản xuất chip và an ninh mạng cũng góp phần thúc đẩy lĩnh vực công nghệ. Cổ phiếu ON Semiconductor tăng 2,8%, còn cổ phiếu Fortinet tăng 1,8%.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng mạnh sau khi dữ liệu việc làm được công bố, qua đó kìm hãm đà tăng của cổ phiếu.
Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp Mỹ sẽ bắt đầu vào tuần tới, với các báo cáo đầu tiên hầu hết đến từ các ngân hàng lớn. Báo cáo chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 6/2022 của Mỹ dự kiến được công bố vào ngày 13/7, cũng sẽ tập trung sự chú ý của nhà đầu tư trong tuần sau.