Phiên sáng đầu tháng 7, chứng khoán Việt Nam có đỉnh mới

Các chỉ số chứng khoán trong suốt phiên sáng 1/7 diễn biến giằng co quanh mốc tham chiếu. Dù vậy, đến cuối phiên, chỉ số VN-Index vẫn xác lập mức cao mới đạt 1.412,56 điểm.

Chú thích ảnh
Nhà đầu tư theo dõi bảng giá chứng khoán tại sàn HOSE. Ảnh: Hứa Chung/TTXVN

Đà tăng của chỉ số nhờ vào nhóm các mã cổ phiếu đầu ngành và sự tích cực của nhóm cổ phiếu chứng khoán.

Hàng loạt mã cổ phiếu chứng khoán sáng nay tăng giá như: HCM, FTS, VCI, MBS, BMS, SHS, VND, VDS, SBS, SSI, BVS…

Bên cạnh đó, thị trường còn nhận được hỗ trợ bởi các cổ phiếu vốn hoá lớn là BVH, FPT, GAS, MSN, HPG, PDR, VNM… Đây là động lực lớn giúp chỉ số VN-Index lập đỉnh lịch sử trong sáng nay.

Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu dầu khí diễn biến rất tiêu cực với hàng loạt mã giảm giá như PLX, PVB, PVS, PVC, BSR, OIL…

Nhóm cổ phiếu ngân hàng diễn biến phân hóa với sắc xanh, đỏ đan xen. Ở chiều tăng giá có ACB, TCB, HDB, OCB, TPB, VPB, MSB, STB… Trong khi đó, ở chiều giảm giá có BID, LPB, SGB, VCB, VIB, CTG, KLB, SHB, SSB, PGB, EIB…

Điểm tiêu cực là khối ngoại đã đảo chiều bán ròng trong phiên sáng nay. Theo đó, khối ngoại đã bán ròng 76,48 tỷ đồng trên toàn thị trường. Trong khi đó, phiên hôm qua, khối ngoại mua ròng hơn 1.750 tỷ đồng.

Cuối phiên giao dịch sáng 1/7, VN-Index tăng 4,01 điểm lên 1.412,56 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 452,4 triệu đơn vị, tương ứng hơn 15.299 tỷ đồng. Toàn sàn có 180 mã tăng giá, 198 mã giảm giá và 55 mã đứng giá.

HNX-Index tăng 1,39 điểm lên 324,71 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 100,2 triệu đơn vị, tương ứng gần 2.466 tỷ đồng. Toàn sàn có 75 mã tăng giá, 92 mã giảm giá và 74 mã đứng giá.

UPCOM-Index giảm 0,1 điểm xuống 90,15 điểm. Khối lượng giao dịch đạt gần 56 triệu đơn vị, tương ứng gần 1.077 tỷ đồng. Toàn sàn có 107 mã tăng giá, 119 mã giảm giá và 81 mã đứng giá.

Về diễn biến thị trường chứng khoán thế giới, trong phiên giao dịch ngày 30/6 tại Mỹ, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,6% lên 34.502,51 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 0,1% lên 4.297,50 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 0,2% xuống 14.503,95 điểm.

Chứng khoán Phố Wall đã ghi nhận mức tăng mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2021, với chỉ số S&P 500 có kỷ lục năm phiên liên tiếp tính đến ngày 30/6, nâng mức tăng từ đầu năm đến nay của chỉ số này lên 14%.

Cả ba chỉ số chính trên thị trường chứng khoán Mỹ đều tăng quý thứ năm liên tiếp, với S&P tăng 8,2%, Nasdaq tăng 9,5% và Dow Jones tăng 4,6%, nhờ tâm lý lạc quan của giới đầu tư về phục hồi của kinh tế toàn cầu.

Dù vậy, bất chấp mức tăng kỷ lục của chỉ số S&P 500 trong phiên 30/6, thị trường lớn hàng đầu châu Á là chứng khoán Nhật Bản lại đi xuống khi mở cửa phiên giao dịch đầu tiên của tháng Bảy, giữa bối cảnh giới đầu tư chờ đợi dữ liệu kinh tế quan trọng của Mỹ trong tuần này.

Đầu phiên 1/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 39,99 điểm (0,14%) xuống 28.751,54 điểm.

Công ty chứng khoán Mizuho Securities có trụ sở tại Nhật Bản nhận định các nhà đầu tư sẽ vẫn giữ tâm lý thận trọng do lo ngại về sự lây lan các ca mắc COVID-19 tại Nhật Bản và chờ đợi số liệu về thị trường việc làm Mỹ, dự kiến công bố trong ngày 2/7.

Văn Giáp (TTXVN)
Nghẽn lệnh chứng khoán và triển vọng thị trường
Nghẽn lệnh chứng khoán và triển vọng thị trường

Bất chấp khó khăn do dịch COVID-19, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn liên tiếp lập những kỷ lục về chỉ số, thanh khoản, khối lượng giao dịch và nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN