Đây là khuyến nghị của TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) với nhà đầu tư trong buổi tọa đàm chủ đề “Kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán”, do Tạp chí Kinh tế và Dự báo tổ chức sáng 29/6.
Tại tọa đàm, ông Cấn Văn Lực nhận định, lạm phát của 6 tháng cuối năm của Việt Nam khoảng 1,8-2%. Năm 2021, tăng trưởng GDP dự báo khoảng 6,1-6,3%. Khả năng đạt được mức tăng trưởng GDP ở mức 6,5% là rất khó khăn.
Rõ ràng thị trường chứng khoán còn nhiều triển vọng. GDP tăng trưởng trên 6%, lạm phát trong tầm kiểm soát, cân đối lớn vẫn kiểm soát được. Đặc biệt, thực lực của thị trường chứng khoán là điều rất quan trọng. Ông Lực dự báo năm nay lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết có thể tăng 20%.
Bên cạnh đó, vai trò của nhà đầu tư ngoại không còn là chủ chốt, điều tiết thị trường như trước đây. Hiện nay, giao dịch của nhà đầu tư ngoại chỉ chiếm 10%.
Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể chủ quan. Vai trò hàn thử biểu của thị trường chứng khoán với nền kinh tế tương đối lỏng lẻo, đây sẽ là rủi ro.
Theo ông Lực, các nhà đầu tư Mỹ đã có khảo sát và đưa ra 4 rủi ro với nhà đầu tư chứng khoán, cũng chính là rủi ro mà chúng ta cần nhận diện.
Theo đó, các nước bắt đầu thắt chặt các gói hỗ trợ, thắt chặt chính sách tiền tệ và tài khóa. Năm 2013 đã xảy ra hiện tượng này và lập tức dòng vốn đầu tư bắt đầu rút từ thị trường rủi ro quay về để đầu tư vào thị trường ít rủi ro hơn.
Rủi ro về lạm phát cũng rất đáng chú ý. Giá nguyên vật liệu tăng rất mạnh. Lạm phát tăng thì lãi suất có xu hướng tăng. Một số ngân hàng trung ương trên thế giới đã tính đến chuyện tăng lãi suất.
Rủi ro nữa là sự chênh lệch sinh lời của các doanh nghiệp bắt đầu co hẹp lại, bởi chi phí đầu vào tăng, trong khi giá cả đầu ra chưa tăng tương ứng, cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến giá chứng khoán. Bên cạnh đó còn có rủi ro về thuế. Hiện nay, Mỹ đã tính đến bài toán tăng thuế doanh nghiệp.
Với Việt Nam, ngoài 4 rủi ro trên thì còn có 2 rủi ro nữa. Cụ thể, nền tảng nhà đầu tư yếu, 90-95% vẫn là nhà đầu tư nhỏ lẻ, tính chuyên nghiệp, tâm lý đám đông, hệ số đòn bẩy tài chính cao…, khi thị trường điều chỉnh họ sẽ phản ứng thái quá và đó là rủi ro.
Cũng không loại trừ khả năng một số doanh nghiệp hiện nay đang “té nước theo mưa”. Tức là tranh thủ thị trường hiện tại để “làm bóng” kết quả kinh doanh của mình nhằm thuận lợi cho việc phát hành cổ phiếu và trái phiếu.
Không riêng Việt Nam, đối với thị trường lớn như Mỹ cũng vậy. Hiện nay, các công ty thực hiện phát hành trái phiếu gấp đôi năm 2019. Đây là hiện tượng tranh thủ đà tăng của thị trường.
“Như vậy, chúng tôi cho rằng sau một thời gian phấn khích, thị trường sẽ có cú điều chỉnh giảm khoảng 7-10%, lúc đó nhà đầu tư phải hết sức bình tĩnh, phải thấy rằng đây là cú điều chỉnh cần thiết để cho thị trường lành mạnh”, ông Lực khuyến nghị.
Theo ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), đến nay, tính cả thị trường cổ phiếu và trái phiếu đang bằng khoảng 150% GDP. Đây là mức khá lớn sau 20 năm vận hành thị trường này. Đặc biệt, thời điểm hiện nay, chỉ số chứng khoán cao nhất trong vòng 20 năm và thanh khoản rất cao.
Tuy nhiên ông Sơn cho rằng, mức tăng trưởng của thị trường thời gian qua là khá phù hợp, vì mục tiêu kép về kiểm soát dịch bệnh và tăng trưởng kinh tế phần nào đáp ứng kỳ vọng.
Dòng vốn hiện nay khá dồi dào với mặt bằng lãi suất ổn định và khá thấp. Điều này sẽ tiếp tục trong vài năm nữa, bởi tín hiệu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) là chưa nâng lãi suất cơ bản. Do đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể giữ mức lãi suất hiện nay trong một khoảng thời gian nữa.
Qua đó, mức độ ổn định và dồi dào của dòng vốn lãi suất thấp sẽ tiếp tục đi vào các khu vực của thị trường; trong đó có thị trường chứng khoán.
Bên cạnh đó, tăng trưởng của thị trường chứng khoán thế giới cũng rất tích cực dù kinh tế chịu ảnh hưởng bởi dịch. Ngoài ra, khu vực doanh nghiệp cũng có nhiều điểm sáng.
Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị VSD, giá trị danh mục đầu tư nước ngoài hiện vào khoảng 49,5 tỷ USD. Trong giai đoạn vừa qua, về cơ bản nhà đầu tư nước ngoài bán ròng. Tuy nhiên, mức độ bán ròng không nhiều và dòng tiền đó không rút ra khỏi Việt Nam mà vẫn để trên tài khoản tiền mặt. Có nghĩa là nhà đầu tư nước ngoài đang chờ đợi cơ hội đầu tư mới chứ chưa rút hẳn ra khỏi Việt Nam.
Chủ tịch Hội đồng quản trị VSD Nguyễn Sơn cũng thông tin, mức dư nợ tín dụng ngân hàng vào chứng khoán tăng khoảng 3% trong 6 tháng đầu năm và tổng dư nợ cho chứng khoán hiện chiếm khoảng 0,48%. Dòng vốn margin (giao dịch ký quỹ) hiện nay cũng nằm trong tầm kiểm soát. Vì vậy, có lẽ dòng tiền ở dân cư trước đây đầu tư vào lĩnh vực khác, giờ đây tạm thời đưa vào chứng khoán, tạo ra hiệu ứng tăng cho thị trường. “Tôi không nghĩ rằng, hiện đã tới thời điểm của bong bóng tài sản; trong đó có thị trường chứng khoán”, ông Sơn nói.
Dù vậy, ông Sơn cho rằng, đây là giai đoạn chúng ta cần kiểm soát chặt chẽ quá trình chu chuyển của dòng tiền và đặc biệt là cảnh báo cho nhà đầu tư cần cẩn trọng hơn.
Bởi suy cho cùng, tăng trưởng của thị trường chứng khoán, của giá cổ phiếu phụ thuộc vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đây là giá trị căn bản, cốt lõi của doanh nghiệp, quyết định giá trên thị trường chứng khoán.
Chủ tịch Hội đồng quản trị VSD Nguyễn Sơn thông tin, hiện nay, có 3,3 triệu tại khoản chứng khoán, riêng 6 tháng đầu năm 2021, đã tăng khoảng 500.000 tài khoản. Ông Sơn nhận định, 6 tháng cuối năm, lượng tài khoản mở mới sẽ bằng khoảng 2/3 con số nửa đầu năm.
Theo TS. Cấn Văn Lực, thị trường tăng mạnh khiến nhà đầu tư đang sống trong trạng thái đầy “xúc cảm”. Ông Lực đưa ra lời khuyên với nhà đầu tư cần thông thái và điềm tĩnh, không hành động theo cảm xúc đám đông.
Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí hiếu khuyến nghị, với nhà đầu tư việc chọn mặt gửi vàng là rất quan trọng. Nhà đầu tư nên tìm những mã cổ phiếu tốt với nhà phát hành có năng lực tài chính và không hành động theo đám đông. Nhà đầu tư nên tự phân tích, hoặc theo các nhà tư vấn để có quyết định sáng suốt nhất.