Giá tiêu dùng của Mỹ trong tháng 4/2021 tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn dự kiến đã khiến chỉ số công nghiệp Dow Jones lúc đóng cửa giảm 2% xuống 33.587,66 điểm trong bối cảnh lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ chấm dứt việc nới lỏng các chính sách tiền tệ sớm hơn kế hoạch. Chỉ số tổng hợp S&P 500 cũng giảm 2,1% xuống 4.063,04 điểm, chỉ số công nghệ Nasdaq giảm 2,7% xuống 13.031,68 điểm.
Phó Chủ tịch Fed, Richard Clarida, thừa nhận ông "ngạc nhiên" với mức tăng này, đồng thời cho biết ngân hàng trung ương sẵn sàng hành động nếu cần kiềm chế giá.
Tại châu Âu tình hình có vẻ sáng sủa hơn, chỉ số FTSE tại thị trường London (Vương quốc Anh) lúc đóng cửa tăng 0,8% lên 7.004,63 điểm, chỉ số DAX 30 tại thị trường Frankfurt (Đức) tăng 0,2% lên 15.150,22 điểm, chỉ số CAC 40 tại thị trường Paris (Pháp) tăng 0,2% lên 6.279,35 điểm và chỉ số EURO STOXX 50 ổn định ở mức 3.947,43 điểm.
Sophie Griffiths, nhà phân tích thị trường tại trung tâm Oanda, cho biết, sự lạc quan phục hồi kinh tế tại châu Âu đang làm lu mờ những lo ngại lạm phát tăng và giúp chứng khoán bớt giảm sâu từ phiên trước.
Ngày 12/5 Liên minh châu Âu (EU) đã điều chỉnh mạnh dự báo tăng trưởng cho năm nay và năm sau, đồng thời cho biết các đợt tiêm chủng tăng tốc và kế hoạch phục hồi mang tính bước ngoặt của khối sẽ đưa châu Âu thoát khỏi suy thoái. Tăng trưởng kinh tế ở 19 quốc gia trong Eurozone có thể đạt 4,3% trong năm 2021 và 4,4% trong năm 2022, cao hơn nhiều so với mức 3,8% được đưa ra trong dự báo hồi tháng Hai. Tăng trưởng kinh tế của 27 nước thành viên EU sẽ đạt mức 4,2% trong năm nay và và 4,4% trong năm tới.
Tại thị trường Việt Nam, kết thúc phiên giao dịch chiều 12/5, chỉ số VN-Index tăng 13,05 điểm (tương đương 1,04%) lên 1.269,09 điểm, trong khi chỉ số HNX-Index tăng 2,57 điểm (0,92%) lên 282,33 điểm.