Vi phạm phổ biến nhất là doanh nghiệp sử dụng “chiêu” không khai hoặc khai sai so với thực tế tên hàng, chủng loại, số lượng, khối lượng, chất lượng, trị giá, xuất xứ hàng hóa thuộc một trong các trường hợp hàng hóa sử dụng, tiêu hủy trong khu phi thuế quan; đưa vào kho ngoại quan hàng hóa thuộc diện không được lưu giữ trong kho ngoại quan theo quy định.
“Mục đích của việc cố ý đưa loại hàng hóa không được gửi kho ngoại quan, nhằm trốn thuế, né tránh sự kiểm tra của hải quan. Nếu bị phát hiện thì đề nghị được chấp hành quyết định xử phạt; đồng thời, tiến hành khai bổ sung hoặc tái xuất hàng hóa. Đối với việc quản lý hoạt động xuất nhập khẩu bằng cơ chế quản lý rủi ro, phân luồng hàng hóa, nếu lực lượng chức năng không kiểm tra thực tế hàng hóa toàn bộ, sẽ tạo khe hở cho doanh nghiệp lợi dụng chính sách để buôn lậu, gian lận thương mại”, đại diện Tổng cục Hải quan cho biết.
Ngoài ra, các đối tượng còn vận chuyển hàng hóa không đúng tuyến đường, tự ý tắt định vị GPS, phá niêm phong, sang tải hàng hóa trái phép trong quá trình vận chuyển, đăng ký gửi hàng hóa vào kho ngoại quan, nhưng thực tế không đưa hàng vào kho.
Bên cạnh đó, do đặc thù địa bàn quản lý các kho ngoại quan thuộc khu vực biên giới trải rộng, tuyến đường vận chuyển từ các kho ngoại quan ra cửa khẩu xuất biên giới đường bộ dài, phạm vi kiểm soát của đơn vị hải quan rộng, việc vận chuyển, giao hàng qua đường mòn, lối mở hoặc việc giao - nhận hàng vào thời điểm trời tối, ban đêm… nên nguy cơ thẩm lậu vào nội địa để bán ra thị trường lớn.
Trước tình hình này, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục giám sát, kiểm soát đối với loại hình gửi kho ngoại quan, nhằm đảm bảo quản lý, giám sát hàng hóa xuyên suốt từ khi nhập khẩu cho đến khi xuất kho để xuất khẩu hoặc nhập khẩu vào nội địa; rà soát, đánh giá hoạt động của các loại hình hàng hóa gửi kho ngoại quan, từ đó, trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định siết chặt quản lý các nhóm hàng hóa không được nhập khẩu gửi kho ngoại quan; đồng thời, kiên quyết tạm dừng hoặc chấm dứt hoạt động đối với các kho ngoại quan không đáp ứng các điều kiện quy định tại Nghị định số 68/2016/NĐ-CP.
Đối với các kho ngoại quan, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị trong ngành tăng cường giám sát qua hệ thống camera, nhằm quan sát được các vị trí, nhìn rõ biển số phương tiện vận tải chuyên chở hàng hóa đi vào, đi ra kho bãi, địa điểm tại các thời điểm trong ngày; giám sát toàn bộ hoạt động liên quan đến các lô hàng và theo dõi liên tục đối tượng cần giám sát; kết xuất được dữ liệu tại từng thời điểm theo yêu cầu báo cáo; áp dụng giám sát bằng niêm phong, thiết bị định vị GPS và xử lý nghiêm các trường hợp có dấu hiệu lợi dụng để buôn lậu, gian lận thương mại.
Về vấn đề này, phía Cục Hải quan Hà Nội chỉ đạo các chi cục hải quan: Bắc Thăng Long, Gia Thụy, cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài rà soát điều kiện, đánh giá tình hình hoạt động của các kho ngoại quan; phối hợp giữa các đơn vị hải quan trong kiểm soát quá trình vận chuyển, giao nhận hàng hóa; xác định một số lô hàng trọng điểm để tiến hành kiểm tra thực tế, kiểm tra đột xuất sổ sách và hệ thống quản lý kho ngoại quan để đánh giá tuân thủ.
Đối với việc chấm dứt hoạt động kho bãi, địa điểm, Cục Hải quan Hải Phòng cũng đề nghị Tổng cục Hải quan quy định rõ quá thời hạn 6 tháng kể từ khi có quyết định công nhận doanh nghiệp đưa kho, bãi địa điểm vào hoạt động nhưng không có hàng hóa đưa vào - đưa ra kho bãi địa điểm đã được công nhận thì chấm dứt hoạt động...