Góp phần hỗ trợ giá dầu là động thái cắt giảm nguồn cung từ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) đã thông báo vào đầu tháng này, giá cả hai loại dầu chủ chốt đều tăng gần 5% trong tuần, ghi nhận 5 tuần đi lên liên tiếp và tăng hơn 13% kể từ đầu tháng 7/2023 đến nay.
Thị trường dầu thế giới liên tục khởi sắc trong các phiên giao dịch của tuần này, chạm mức cao nhất của nhiều tháng, do nguồn cung bị thắt chặt, trong khi nhu cầu xăng tại Mỹ tăng lên, cộng hưởng với kỳ vọng về các biện pháp kích thích của Trung Quốc thúc đẩy tâm lý các nhà đầu tư.
Nhóm nghiên cứu của ngân hàng Citi Bank lưu ý giá dầu đang phản ánh "các điều kiện thắt chặt do việc cắt giảm sản lượng dầu của Saudi Arabia tác động đến thị trường... khi nhu cầu về xăng và nhiên liệu máy bay trong mùa hè đã mạnh hơn một chút".
Việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất đã khiến giá dầu giảm 1% trong phiên 26/7. Đây cũng là phiên giảm duy nhất của giá dầu trong tuần này. Với lần tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản này, Fed đã đưa lãi suất lên khoảng 5,25% -5,50%. Đồng thời, ngân hàng trung ương này thông báo về khả năng cho một đợt tăng lãi suất khác. Lãi suất cao hơn làm tăng chi phí vay của các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Điều này có thể kéo chậm tăng trưởng kinh tế và giảm nhu cầu dầu mỏ.
Đáng chú ý, giá dầu Brent lần đầu tiên vượt mốc 84 USD/thùng kể từ tháng 4/2023 vào phiên giao dịch 27/7.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần 28/7, giá dầu Brent giao kỳ hạn tăng 75 xu lên 84,99 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 49 xu, lên 80,58 USD/thùng.
Tâm lý ưa chuộng rủi ro trên các thị trường tài chính được thúc đẩy bởi kỳ vọng ngày càng tăng về việc các ngân hàng trung ương lớn như Fed và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sắp kết thúc chiến dịch thắt chặt tiền tệ, thúc đẩy triển vọng tăng trưởng toàn cầu và nhu cầu năng lượng.
Dữ liệu mới công bố vào ngày 28/7 cho thấy một số nền kinh tế hàng đầu Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã thể hiện khả năng phục hồi ngoài mong đợi trong quý II/2023, ngay cả khi một loạt chỉ số cho thấy sự suy yếu trong thời gian tới, do hoạt động sản xuất và dịch vụ chậm lại.
Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách ở Trung Quốc đã cam kết đẩy mạnh các biện pháp kích thích để thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch, sau khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng với tốc độ yếu trong quý II.
Giám đốc Darren Woods của công ty dầu khí Exxon Mobil cho biết ông dự kiến nhu cầu dầu sẽ đạt kỷ lục trong năm nay và năm tới. Về phía nguồn cung, các chuyên gia phân tích của ngân hàng Commerzbank cho biết, bằng chứng cho thấy sự khan hiếm đang gia tăng, do dự trữ dầu thô tại Mỹ giảm và động thái cắt giảm tự nguyện 1 triệu thùng/ngày của Saudi Arabia, đồng thời nhấn mạnh trong tháng này sản lượng dầu của OPEC có thể giảm xuống mức thấp nhất kể từ mùa Thu năm 2021.