Theo đó, hai tháng này đánh dấu chuỗi biến động mạnh của thị trường ngoại hối khi tỷ giá USD/VND tăng 150 đồng, bật lên khỏi nền giá duy trì trong hơn một năm qua.
Tỷ giá tiếp tục tăng thêm 100 đồng trong hai tuần đầu tháng 7/2018, tương đương mức tăng 1,1% chỉ trong vòng một tháng và giao dịch ở mức 23.010/23.080 đồng trên thị trường ngân hàng. Tỷ giá tự do cũng chịu áp lực và tăng mạnh 360 đồng lên mức 23.180/23.230 đồng. Đồng thời, chênh lệch giá mua bán tăng từ 20 đồng lên 50 đồng.
Theo đại diện SSI, sức ép lên tỷ giá trong tháng 6/2018 chủ yếu từ yếu tố bên ngoài kết hợp với tâm lý bên trong. Hàng loạt các đồng tiền trên thế giới đã mất giá nhanh trong tháng 6/2018 do Mỹ chính thức áp thuế cao với hàng hóa Trung Quốc, làm dấy lên nguy cơ cuộc chiến thương mại leo thang.
Tuy nhiên, nếu phân tích từ khía cạnh cung cầu ngoại tệ, tình trạng mất cân đối cung cầu chưa lớn để đẩy tỷ giá tăng mạnh. Bên cạnh đó, với nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào, xấp xỉ 65 tỷ USD, tương đương 15 tuần nhập khẩu, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động phát tín hiệu sẽ can thiệp hỗ trợ thị trường để ổn định tỷ giá. Thực tế, Ngân hàng Nhà nước đã giảm mạnh tỷ giá bán ra USD từ 23.294 đồng xuống 23.050 đồng vào ngày 3/7.
Mặt khác, bắt đầu từ tháng 7/2018, Ngân hàng Nhà nước cũng cho tỷ giá tham chiếu gần như đi ngang, tạo tín hiệu rõ rệt với thị trường về chủ trương không tiếp tục điều chỉnh tỷ giá. Cùng thời gian này, tỷ giá Ngân hàng Thương mại cũng đi ngang và chỉ có tỷ giá tự do còn ở mức cao.
Chính vì vậy, dự báo trong thời gian tới, nếu áp lực tiếp tục gia tăng, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ bán ra nguồn dự trữ ngoại hối để bình ổn thị trường. Đặc biệt, cam kết ổn định tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước với nguồn dự trữ ngoại hối và cung cầu ngoại tệ cân bằng là các yếu tố hỗ trợ ổn định tỷ giá.
Theo Báo cáo của SSI, thị trường chứng khoán tháng 6 và đầu tháng 7 tiếp tục nối dài xu hướng giảm tạo ra chuỗi giảm mạnh nhất trong nhiều năm. Khối lượng giao dịch không được cải thiện, kết hợp với tâm lý của nhà đầu tư bị tác động tiêu cực bởi các sự kiện trên thị trường quốc tế như FED tăng lãi suất, căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và các đối tác leo thang khiến cho chỉ số thị trường chưa thể thoát khỏi xu hướng giảm.
Thị trường trong nước thiếu vắng thông tin hỗ trợ, trong khi MSCI (Công ty nghiên cứu đầu tư cung cấp các sản phẩm chỉ số tài chính, các phân tích thành quả và rủi ro danh mục cùng các công cụ quản trị cho nhà đầu tư tổ chức và quỹ phòng hộ) chưa xem xét nâng hạng đối với thị trường Việt Nam đã khiến cho nhà đầu tư rụt rè trong việc giải ngân. Điều này đã được phản ánh qua số liệu thanh khoản thị trường tháng 6/2018. Giá trị giao dịch bình quân hai sàn trong tháng 6/2018 chỉ đạt 5.623 tỷ đồng và tiếp tục giảm xuống 3.911 tỷ đồng trong 2 tuần đầu tháng 7/2018, mức thấp nhất trong 17 tháng.
Tính chung từ đầu năm, tổng giá trị mua ròng của khối ngoại là 33.876 tỷ đồng; trong đó, khối này mua ròng qua kênh thỏa thuận với giá trị 44.558 tỷ đồng, nhưng bán ròng 10.681 tỷ đồng. Trong khi thị trường chứng khoán cơ sở giao dịch ảm đạm, chứng khoán phái sinh tiếp tục lên ngôi và thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư.