Công ty TNHH Dịch vụ Tài chính SBI (Nhật Bản) vừa đăng ký mua hơn 5,7 triệu cổ phiếu FTS của Công ty cổ phần Chứng khoán FPT (FPTS - mã: FTS), trong thời gian từ ngày 28/6 đến 26/7/2022. Giao dịch dự kiến được thực hiện theo hình thức khớp lệnh và thỏa thuận, với mục đích đầu tư.
Hiện cổ đông Nhật Bản này đang nắm giữ gần 31 triệu cổ phiếu FTS, tương đương tỷ lệ sở hữu 21%. Nếu hoàn tất giao dịch, SBI sẽ nâng số lượng nắm giữ lên hơn 36,7 triệu cổ phiếu, tăng tỷ lệ sở hữu lên mức 24,9%.
Đáng chú ý, ngay sau khi thông tin này được công bố, giá cổ phiếu FTS đã có 4 phiên tím liên tiếp và thị giá đã hồi phục hơn 30%, lên mức 34.750 đồng/cổ phiếu. Với mức giá này, SBI phải chi gần 200 tỷ đồng để mua hết số lượng cổ phiếu đăng ký.
Trước đó, thị giá FTS đạt đỉnh một năm vào cuối tháng 11/2021, ở mức 74.600 đồng/cổ phiếu, sau đó diễn biến giằng co và có xu hướng giảm dần. Đặc biệt, trong 3 tháng gần đây, thị giá FTS mất hơn 35% do ảnh hưởng của thị trường chung. Do vậy, việc cổ đông lớn SBI đã mang lại hiệu ứng tích cực cho cổ đông quan tâm đến cổ phiếu này.
Ông Nguyễn Khánh Trình, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Clever Group (mã: ADG) cũng vừa đăng ký mua thêm 100.000 cổ phiếu, theo phương thức khớp lệnh, với lí do giá rẻ nên mua thêm.
Hiện ông Nguyễn Khánh Trình sở hữu trên 5,3 triệu cổ phiếu, tương đương 26,73% vốn điều lệ của công ty. Nếu giao dịch thành công, ông Trình sẽ nâng tỷ lệ sở hữu lên 27,23%. Thời gian dự kiến thực hiện giao dịch là từ 28/6 đến 27/7/2022.
Ngay sau khi có thông báo (ngày 22/6), giá cổ phiếu ADG đã bật tăng hơn 11%, lên 40.500 đồng/cổ phiếu đóng cửa ngày 27/6. Trước đó, cổ phiếu này đã giảm tới 27% kể từ tháng 4 cùng với sự biến động của thị trường.
Cách đây vài ngày, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cũng đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu theo hình thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận. Lý do vị này đưa ra là “nhằm bình ổn giá cổ phiếu trên thị trường/đầu tư”. Thời gian dự kiến thực hiện giao dịch từ 23/6 đến 22/7/2022. Với giá cổ phiếu vài phiên gần đây, ước tính ông Lê Viết Hải cần chi hơn 170 tỷ đồng để thực hiện thương vụ.
Thực tế, cùng với sự biến động mạnh của thị trường chứng khoán trong quý 2, thị giá HBC “lao dốc” về 15.450 đồng/cổ phiếu tại ngày 20/6, giảm hơn một nửa so với vùng đỉnh đầu năm 2022.
Sau thông tin lãnh đạo chi tiền “cứu” cổ phiếu, giá cổ phiếu HBC đã có sự hồi phục đáng kể trong những phiên gần đây. Đóng cửa ngày 27/6, cổ phiếu HBC lên 17.900 đồng/cổ phiếu, tăng gần 16% chỉ sau một tuần. Hiện ông Hải đang nắm giữ gần 39 triệu cổ phiếu HBC, tương đương 15,84%. Nếu giao dịch thành công, tỷ lệ nắm giữ của ông Hải tại Tập đoàn Hòa Bình sẽ lên 19,91%.
Trong đợt này, lãnh đạo của Công ty cổ phần Hưng Thịnh Incons (mã: HTN) cũng đăng ký mua vào tổng cộng 5,5 triệu cổ phiếu HTN để gia tăng sở hữu trong bối cảnh thị giá cổ phiếu xuống thấp.
Cụ thể, ông Trương Văn Việt, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT Hưng Thịnh Incons đăng ký mua 5 triệu cổ phiếu HTN với mục đích gia tăng sở hữu. Hiện ông Việt chỉ đang nắm giữ gần 2 triệu cổ phiếu, tương đương 2,2%, nếu giao dịch thành công, tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu của ông Việt tại Hưng Thịnh Incons sẽ lên 7,81% tổng lượng cổ phiếu lưu hành. Thời gian thực hiện giao dịch dự kiến trong một tháng, từ 29/6 đến 28/7/2022.
Trong một tháng này, ông Trần Tiến Thanh, Tổng Giám đốc Hưng Thịnh Incons cũng đăng ký mua 500.000 cổ phiếu HTN, để sở hữu 0,56% tổng số cổ phiếu đang lưu hành.
Đáng chú ý, ngay khi thông tin lãnh đạo chi tiền mua cổ phiếu được công bố, cổ phiếu HTN đã có 3 phiên trần liên tiếp, bất chấp diễn biến giằng co của thị trường trong tuần qua. Đóng cửa phiên 27/6, giá cổ phiếu HTN lên mức 29.950 đồng/cổ phiếu. Dù mức giá này vẫn giảm tới hơn 40% so với mức đỉnh cuối tháng 3/2022, tuy nhiên cũng đã có phục hồi đáng kể hơn 22% sau khi có thông tin lãnh đạo gom cổ phiếu.
Ngoài các trường hợp trên, còn có nhiều trường hợp cứu giá cổ phiếu phục hồi thành công trong giai đoạn này như GEX, VNM, EVG, DIG…. Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp ngoại lệ, đà tăng của cổ phiếu không duy trì được lâu dù cả dàn lãnh đạo cùng lúc chi tiền gom cổ phiếu.
Đơn cử như tại Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienvietPostbank – mã: LPB), ngân hàng này vừa công bố thông tin kết quả giao dịch cổ phiếu của người nội bộ, bao gồm 19 thành viên thuộc Ban Tổng Giám đốc, HĐQT và Ban Kiểm soát.
Tổng cộng các thành viên này đã mua thêm hơn 5 triệu cổ phiếu LPB trong ngày 22/6/2022, với phương thức mua cổ phần ngân hàng chào bán để tăng vốn điều lệ. Nhờ lực đỡ từ nhóm này, trong phiên 22/6, cổ phiếu LPB đã có phiên tăng trần và tiếp tục duy trì đà tăng tích cực gần hết biên độ trong phiên tiếp theo. Tuy nhiên, đà tăng đã không được duy trì, cổ phiếu LPB quay đầu giảm trở lại.
Trong phiên 27/6, dù chỉ số VN-Index phục hồi mạnh trên 17 điểm, trở về mốc trên 1.200 điểm và hầu hết các cổ phiếu ngân hàng đều mang sắc xanh tích cực, thì LPB vẫn giảm tới 4,55% so với phiên trước đó. LPB cũng là cổ phiếu ngân hàng có thị giá giảm mạnh nhất trên cả 3 sàn trong phiên hôm nay.
Theo các chuyên gia, sau mỗi đợt biến động mạnh của thị trường, thị giá cổ phiếu giảm sâu, lãnh đạo doanh nghiệp thường chi tiền mua vào, một mặt để trấn an nhà đầu tư, bình ổn giá, mặt khác là gia tăng sở hữu tại doanh nghiệp. Và thông thường, hoạt động này sẽ giúp thị giá cổ phiếu phục hồi trong ngắn hạn và tăng niềm tin của nhà đầu tư vào doanh nghiệp.
Ngoài sự kỳ vọng của nhà đầu tư, diễn biến giá cổ phiếu thường chịu chi phối từ nhiều yếu tố khác như lạm phát, lãi suất, tăng trưởng kinh tế… Quan trọng nhất là nội tại của doanh nghiệp, sóng ngành. Do đó, việc lãnh đạo chi tiền mua cổ phiếu có trở thành bệ phóng, nâng đỡ giá lâu dài hay không còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Trước mắt, hành động này như một lời cam kết của lãnh đạo doanh nghiệp sẽ đồng hành với nhà đầu tư, cổ đông và doanh nghiệp vẫn có nhiều tiềm năng tăng trưởng trong thời gian tới.