Nhiều công ty ghi nhận lãi kỷ lục
Công ty cổ phần Chứng khoán Everest (EVS) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2021 với doanh thu hoạt động đạt hơn 252 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ và lợi nhuận trước thuế đạt 128,6 tỷ đồng, tăng 6,7 lần.
Giải trình về kết quả kinh doanh tăng mạnh trong quý II, lãnh đạo EVS cho biết, đó là nhờ thị trường chứng khoán trong khoảng thời gian này có sự tăng trưởng vượt bậc cả về chỉ số lẫn thanh khoản, giá các mã chứng khoán tăng mạnh so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, các mảng hoạt động của công ty đều có sự tăng trưởng mạnh mẽ so với cùng kỳ.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, tổng doanh thu hoạt động của EVS đạt gần 378 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với nửa đầu năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế tăng gần 24 lần cùng kỳ, đạt hơn 221 tỷ đồng.
Trong năm 2021, EVS đặt mục tiêu doanh thu hoạt động là 238,4 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 81,2 tỷ đồng. Như vậy, với kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh mẽ, chỉ trong nửa năm, EVS đã vượt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận trong cả năm 2021, lần lượt bằng 158% và 272%.
Trước đó, Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng công bố vượt 70% mục tiêu lợi nhuận của cả năm 2021 chỉ trong 6 tháng đầu năm nay.
Cụ thể, VDSC ước tính tổng doanh thu 6 tháng đầu năm 2021 đạt hơn 530 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch cả năm 2021 và tăng trưởng 311% so với 6 tháng đầu năm 2020. Trong đó, doanh thu từ các nghiệp vụ kinh doanh chính như môi giới, ngân hàng đầu tư và đầu tư đều hoàn thành, vượt kế hoạch cả năm 2021.
Kết quả, lợi nhuận trước thuế của VDSC ước đạt hơn 306 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 245 tỷ đồng, bằng 170% kế hoạch năm 2021, bằng 18,6 lần so với cùng kỳ năm 2020. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất mà công ty này đạt được kể từ khi thành lập cho đến nay.
Đại diện VDSC cho biết, kết quả ấn tượng trên có được nhờ định hướng hoạt động của Rồng Việt luôn coi trọng lợi ích khách hàng, thông qua việc luôn nỗ lực sáng tạo. Điều này nhằm mang đến các sản phẩm, dịch vụ tốt nhất cho khách hàng, giúp khách hàng có được những cơ hội đầu tư hiệu quả nhất, các giải pháp tài chính phù hợp nhất.
Kết quả kinh doanh khả quan còn nhờ Rồng Việt đã nắm bắt và tận dụng tốt các cơ hội kinh doanh từ sự thăng hoa của thị trường chứng khoán Việt Nam trong nửa đầu năm 2021. Nhờ vậy, các mảng kinh doanh của Rồng Việt đều tăng trưởng mạnh về quy mô và hiệu quả. Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROEA) 4 quý gần nhất đạt gần 31%, lợi nhuận sau thuế/cổ phần bình quân 4 quý gần nhất (EPS) đạt 3.820 đồng.
Trong 6 tháng đầu năm nay, kết quả kinh doanh của Công ty cổ phần Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) cũng ghi nhận rất ấn tượng. Tính riêng quý II/2021, doanh thu của TCBS đạt 1.295 tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ và lợi nhuận trước thuế đạt 1.001 tỷ đồng, tăng 32%.
Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của TCBS lần lượt là 2.321 tỷ đồng và 1.844 tỷ đồng, tăng trưởng tương ứng là 56% và 45% so với cùng kỳ.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, TCBS đã vượt lên nằm trong top đầu công ty chứng khoán có dư nợ margin cao nhất với mức tăng trưởng ấn tượng, đạt 8.569 tỷ đồng, tăng 238% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cuối tháng 6/2021, tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 của Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco), đại diện công ty cũng ước tính lãi trước thuế lũy kế 6 tháng sẽ trong khoảng 160 tỷ đồng, cao gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2020.
Lợi nhuận có thể giảm tốc
Trong một báo cáo gần đây về triển vọng ngành chứng khoán nửa cuối năm 2021 và năm 2022, SSI ước tính lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm của 4 công ty chứng khoán niêm yết lớn nhất tăng trưởng xuất sắc 155,3% từ mức thấp ở cùng kỳ do ảnh hưởng của đại dịch. Bốn công ty này bao gồm: Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, Công ty cổ phần Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HSC), Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) và Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect.
Kết quả trên là nhờ giá trị giao dịch trung bình đạt 22.800 tỷ đồng/ngày (889 triệu USD), tăng ấn tượng 375% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến tháng 6/2021, chỉ số VN-Index vượt qua ngưỡng kháng cự 1.400 và đóng cửa ở 1.408,55 điểm - mức đỉnh mọi thời đại. Kể từ đầu năm, chỉ số VN-Index ghi nhận mức tăng 27,6%, giúp thị trường chứng khoán Việt Nam là một trong những thị trường tăng mạnh nhất trên thế giới.
Trong nửa cuối năm 2021 và 2022, động lực tăng trưởng doanh thu chính của các công ty chứng khoán vẫn là nhờ chính sách tiền tệ nới lỏng, dòng tiền mới từ nhà đầu tư cá nhân, dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài, dịch vụ ngân hàng đầu tư và việc tăng vốn của các công ty chứng khoán…
Mặc dù kỳ vọng doanh thu sẽ tiếp tục tăng cho đến năm 2022, tuy nhiên các chuyên gia của SSI cho rằng, động lực hiện tại của thị trường có thể giảm tốc trong nửa cuối năm 2021 sau khi tăng mạnh trong nửa đầu năm. Điều này tạo áp lực giảm thu nhập từ mảng tự doanh.
SSI ước tính tăng trưởng lợi nhuận của 4 công ty này sẽ bình thường trở lại ở mức tăng 7,7% trong nửa cuối năm 2021 so với mức cao trong nửa cuối năm 2020. Tăng trưởng lợi nhuận ước tính là 66,8% cho cả năm 2021 và sẽ bình thường hóa ở mức tăng 21,4% vào năm 2022.
Rủi ro chính của ngành chứng khoán là biên lợi nhuận giảm đối với hoạt động kinh doanh cốt lõi, bao gồm cho vay và môi giới chứng khoán, do áp lực cạnh tranh gay gắt. Lạm phát tăng, lãi suất tăng và giá cổ phiếu giảm có thể dẫn đến thanh khoản thị trường và lợi nhuận giảm…
Thêm vào đó, ẩn số biến chủng Delta cùng với làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 trong thời gian gần đây, thị trường chứng khoán được dự báo sẽ đối mặt với nhiều khó khăn hơn trong nửa cuối năm 2021.
Thực tế, yếu tố dịch bệnh diễn biến phức tạp là một trong những nguyên nhân chính khiến thị trường rơi vào nhịp điều chỉnh sâu khi chỉ số VN-Index đã “bốc hơi” hơn 114 điểm chỉ trong 2 tuần giao dịch đầu tháng 7. Kèm theo đó là thanh khoản đã có dấu hiệu “hạ nhiệt”.
Những điều này sẽ tác động không nhỏ tới doanh thu môi giới, cho vay ký quỹ… của các công ty. Kết quả kinh doanh của các công ty chứng khoán theo đó được dự báo khó có thể bùng nổ trong nửa cuối năm 2021 như khoảng thời gian trước đó.