Theo các chuyên gia chứng khoán, dòng tiền chảy vào thị trường chứng khoán (TTCK) trong thời gian qua chủ yếu là các nhà đầu tư nhỏ lẻ, bên cạnh đó lượng nhà đầu tư sử dụng margin (ký quỹ) chiếm rất lớn. Chính vì vậy, khi sàn chứng khoán “rực lửa” cũng là lúc nỗi sợ bị “bẫy” margin gọi tên, điều này càng khiến áp lực bán cắt lỗ càng lớn thêm.
Tại thời điểm 14 giờ, VN-Index đã rơi sâu nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt với mức giảm hơn 75 điểm. VN30-Index mất 86 điểm. HNX-Index cũng lao dốc không có điểm dừng khi mất đến 6% - gần kịch biên độ.
Trong khoảng thời gian VN-Index chìm sâu trong sắc đỏ, VHM là cổ phiếu lấy đi nhiều điểm nhất của thị trường khi góp gần 5 điểm vào đà giảm. Theo sau là VCB, VIC, HPG khi lấy đi lần lượt hơn 3 điểm. VN30-Index cũng có diễn biến tương tự khi chỉ số giảm gần 70 điểm. Sắc đỏ đã bao phủ hoàn toàn rổ VN30 khi tất cả các mã đều giảm.
Đến14 giờ 30 phút, 10 phút trước phiên ATC, chỉ số đại diện cho sàn HoSE nhanh chóng thu hẹp biên độ giảm từ 75 điểm còn 53 điểm nhờ dòng tiền chảy mạnh vào thị trường để bắt đáy. Theo đó, chỉ số VN-Index giảm còn gần 1.294 điểm; HNX-Index giảm 11,33 điểm còn 295 điểm.
Đáng chú ý, tiền tập trung nhiều ở nhóm ngân hàng nên hàng loạt mã trước đó giảm sàn như CTG, BID, TCB, TPB... đã được kéo lên, chỉ mất khoảng 4-6% so với tham chiếu. Hiện nhóm này chỉ còn VPB mất 7%, xuống 64.000 đồng.
Toàn bộ cổ phiếu nhóm chứng khoán mới ít phút trước trắng bên mua thì cũng đang hồi phục, nhưng có sự phân hoá theo quy mô vốn hoá. Các mã vốn hoá lớn như SSI, HCM, VCI đang giảm 5,1-5,6%, trong khi các cổ phiếu khác như VDS, VIX, APG... vẫn chưa nhích lên.
Thanh khoản thị trường cũng vượt mốc 30.000 tỷ đồng, trong đó rổ vốn hoá lớn chiếm đến 19.300 tỷ đồng.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức chiều 12/7, TS Cấn Văn Lực, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, cho biết: "Yếu tố dịch bệnh COVID-19 bùng phát và diễn biến ngày càng phức tạp, cùng với đó thông tin Hà Nội tiếp tục nâng cấp độ phòng dịch từ ngày 13/7 chỉ là một phần khiến TTCK đỏ sàn, "rực lửa". Nguyên nhân thị trường giảm mạnh là do sau một thời gian tăng trưởng phấn khích và quá "nóng" dẫn đến TTCK có sự điều chỉnh giảm khoảng 7 - 10%. Vì thế, nhà đầu tư lúc này phải hết sức bình tĩnh, bởi đây là sự điều chỉnh cần thiết để cho thị trường phát triển lành mạnh".
Ngoài ra, theo TS Cấn Văn Lực, trong bối cảnh GDP Việt Nam có thể tăng trưởng trên 6% năm 2021, lạm phát trong tầm kiểm soát khi nền kinh tế được cân đối sẽ hỗ trợ nhiều cho sự phát triển của TTCK. Đặc biệt, "thực lực" của TTCK khi lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết có thể tăng tới 20% trong năm nay. Chưa kể, vai trò của nhà đầu tư nước ngoài cũng không còn là chủ chốt, mang tính điều tiết thị trường như trước đó. “Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể chủ quan", TS Cấn Văn Lực lưu ý.
Cũng theo TS Cấn Văn Lực, vừa qua tại Mỹ, các nhà đầu tư đã thực hiện một cuộc khảo sát và chỉ ra 4 rủi ro lớn đối với thị trường hiện tại, đây cũng là những rủi ro mà các nhà đầu tư Việt Nam cần nhận diện như: Các nước đã bắt đầu thắt chặt các gói hỗ trợ, thắt chặt chính sách tiền tệ và tài khóa; lạm phát tăng, lãi suất có xu hướng tăng; rủi ro tiếp theo là biên lợi nhuận của các doanh nghiệp bắt đầu co lại, bởi chi phí đầu vào tăng trong khi giá cả đầu ra chưa tăng tương ứng, điều này cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến giá chứng khoán; rủi ro về thuế. Hiện Mỹ đã tính đến chuyện tăng mạnh thuế thu nhập doanh nghiệp.
TS. Cấn Văn Lực cho biết, ngoài 4 rủi ro trên, TTCK còn đối mặt thêm 2 rủi ro nữa tại Việt Nam là nền tảng của nhà đầu tư. Hiện 90 - 95% nhà đầu tư Việt Nam vẫn là nhỏ lẻ, tính chuyên nghiệp kém, bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông, hệ số đòn bẩy tài chính cao… Vì vậy khi thị trường điều chỉnh, họ sẽ phản ứng thái quá và đó là rủi ro.
Nhiều công ty chứng khoán cũng cho rằng, với đà lao dốc của VN-Index, việc cần làm lúc này của các nhà đầu tư là ưu tiên quản lý rủi ro, cắt giảm tỷ lệ vay nợ và đưa tỷ trọng về mức cân bằng hoặc thấp. Cơ hội bắt đáy là có, nhưng chỉ nên ưu tiên mua hàng trong danh mục có sẵn để chủ động quản lý tỷ trọng.