Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, giá đậu tương hợp đồng tháng 11 (ZSEX23) niêm yết trên Sở Giao dịch Chicago (CBOT) đóng cửa phiên giao dịch ngày 30/6 ở mức 572,2 USD/tấn, tăng tới 6,12% so với phiên trước đó, đồng thời là mức tăng hàng ngày lớn nhất mà hợp đồng này từng ghi nhận kể từ khi bắt đầu được giao dịch.
Giá đậu tương tăng vọt sau dữ liệu gieo trồng gây bất ngờ của Mỹ
Lý giải cho đà tăng mạnh trong phiên cuối tuần vừa rồi của giá đậu tương, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam, cho biết: “Việc diện tích trồng đậu tương năm nay của Mỹ thấp hơn nhiều so với dự đoán của giới phân tích, giữa lúc mùa vụ tại nước này vẫn đang phải đối mặt với rủi ro về thời tiết, đã thổi bùng lo ngại của thị trường rằng nguồn cung hạt có dầu từ Mỹ sẽ bị thu hẹp đáng kể so với triển vọng ban đầu. Chính điều này đã đẩy giá đậu tương CBOT tăng vọt và dự kiến sẽ tiếp tục là yếu tố hỗ trợ giá trong thời gian tới”.
Trong báo cáo Diện tích gieo trồng (Acreage 2023) được công bố vào đêm ngày 30/06, USDA ước tính diện tích trồng đậu tương năm nay của Mỹ ở mức 33,79 triệu héc-ta, giảm khoảng 6% so với một năm trước. Đáng chú ý, con số này thấp hơn rất nhiều so với mức 35,48 triệu héc-ta dự đoán trung bình của thị trường trước khi báo cáo được công bố.
Không chỉ gây bất ngờ, dữ liệu trong báo cáo Acreage 2023 cũng khiến thị trường ngay lập tức hoài nghi về mức sản lượng 122,74 triệu tấn đậu tương mà USDA dự báo Mỹ sẽ đạt được trong năm nay, khi con số này dựa trên dự đoán diện tích là 35,39 triệu héc-ta được USDA công bố trước khi hoạt động gieo trồng diễn ra. Trong bối cảnh mùa vụ tại Mỹ vừa trải qua ảnh hưởng bởi đợt hạn hán từ cuối tháng 05, việc diện tích gieo trồng thấp hơn kỳ vọng có thể làm trầm trọng thêm vấn đề về
nguồn cung của nhà xuất khẩu đậu tương lớn thứ hai toàn cầu này.
Tác động đối với ngành chăn nuôi của Việt Nam
Trong 10 năm trở lại đây, mỗi năm nước ta tiêu thụ trung bình gần 2 triệu tấn đậu tương. Khoảng 70% trong số này được sử dụng cho hoạt động ép dầu để sản xuất khô đậu tương - thành phần chính trong hỗn hợp thức ăn chăn nuôi.
Phần lớn nhu cầu tiêu thụ đậu tương tại nước ta vẫn được đáp ứng bởi nguồn hàng nhập khẩu. Theo số liệu sơ bộ từ Tổng Cục Hải quan Việt Nam, nước ta nhập khẩu 1,84 triệu tấn đậu tương trong năm 2022, trong đó Mỹ là nhà cung cấp lớn thứ 2 với 594,791 tấn.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng là một trong những đối tác thương mại đậu tương lớn của Mỹ. Dữ liệu chính thức của USDA cho thấy, Việt Nam luôn nằm trong danh sách 10 nhà nhập khẩu đậu tương lớn nhất của nước này xét về giá trị kể từ ít nhất là năm 2013.
Với việc nguồn nguyên liệu thô chủ yếu được cung cấp từ nước ngoài, không khó để có thể thấy rằng ngành chăn nuôi ở Việt Nam rất dễ bị tổn thương mỗi khi thị trường hàng hóa quốc tế có sự biến động mạnh. Ví dụ điển hình là sự gián đoạn của dòng chảy ngũ cốc Biển Đen theo sau cuộc xung đột tại Ukraine, đã đẩy giá cả nông sản toàn cầu tăng vọt và khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam đối mặt với thử thách lớn về chi phí sản xuất.
Thay đổi nguồn cung linh hoạt để thích ứng với khó khăn
Do năng lực sản xuất đậu tương nội địa còn hạn chế, việc giảm sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu của ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ không thể đạt được trong một sớm một chiều. Thay vào đó, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi ở nước ta cần hướng tới giải pháp thay đổi linh hoạt nguồn cung nhằm giảm bớt áp lực chi phí.
“Để giảm bớt rủi ro về chi phí liên quan tới nguồn cung đậu tương từ Mỹ, theo tôi các doanh nghiệp Việt Nam có thể tăng cường mua hàng từ Brazil, khi quốc gia Nam Mỹ này vốn đã là nhà cung cấp đậu tương lớn nhất cho nước ta những năm gần đây. Hơn nữa, Brazil đã có một vụ đậu tương bội thu trong năm nay với sản lượng lên tới hơn 150 triệu tấn, và nông dân nước này đang phải chịu áp lực đẩy hàng do vấn đề thiếu kho chứa. Do đó, giá đậu tương từ Brazil hiện đang khá rẻ so với đậu tương từ Mỹ. Các doanh nghiệp trong nước có thể tận dụng điều này để giảm bớt gánh nặng về chi phí”, ông Quang Anh đánh giá.