Theo ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), vấn đề mà Hiệp hội này và các doanh nghiệp trong ngành lo lắng nhất hiện nay là tình hình giá cả đang diễn biến rất khó lường. Giá nhân điều xuất khẩu có thể sẽ sụt giảm đáng kể trong thời gian tới sau một năm có mức giá cao kỷ lục, trong khi đó, giá điều thô thế giới vẫn đang còn ở mức khá cao.
Cụ thể, giá nhân điều xuất khẩu bình quân trong năm 2017 đạt khoảng 10.000 USD/tấn, tăng trên 20% so với năm 2016. Riêng vào tháng 6/2017, giá nhân điều xuất khẩu vào thị trường Mỹ đạt mức 10.492 USD/tấn, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2016.
Sản xuất điều xuất khẩu tại Công ty cổ phần Nhật Huy (Bình Dương). Ảnh: Đình Huệ/TTXVN |
Các doanh nghiệp cho biết, với mức giá nhân xuất khẩu như hiện nay, giá nguyên liệu ở mức dưới 1.900-1.950 USD/tấn thì hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mới hiệu quả. Tuy nhiên, hiện giá điều thô đầu vụ trên thị trường thế giới lại đang dao động ở mức 2.100-2.150 USD/tấn. Nếu doanh nghiệp “ôm” nhiều nguyên liệu vào lúc này chắc chắn sẽ không hiệu quả.
“Với tình hình này, không khéo các doanh nghiệp sẽ lọt vào “bẫy” giá cao. Nghĩa là, doanh nghiệp mua nguyên liệu với mức giá rất cao, nhưng khi bán sản phẩm nhân điều lại ở mức thấp hơn, khiến cho kết quả sản xuất kinh doanh kém hiệu quả. Tình trạng này cũng từng xảy ra trong ngành điều vào những năm 2000. Do vậy, các doanh nghiệp phải hết sức cảnh giác, làm sao cân đối giá nhân bán ra và giá nguyên liệu mua vào thì mới có hiệu quả”, ông Thanh chia sẻ.
Nhiều dự báo của các chuyên gia trong ngành này cũng cho thấy, năm 2018 sẽ là năm không mấy thuận lợi cho ngành chế biến xuất khẩu điều. Ông Tạ Quang Huyên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Hoàng Sơn 1 cho biết thêm, kể từ ngày 1/1/2018 các siêu thị ở nước ngoài đã đồng loạt tăng giá bán các sản phẩm chế biến từ nhân điều lên 15% so với năm 2017.
Ông Huyên băn khoăn, với mức tăng này người mua có thể không chấp nhận trả giá cao. Thông thường, nếu giá bán cao quá, người tiêu dùng cuối cùng sẽ chuyển dần sang các loại hạt quả khô khác. Sự tăng giá này có thể khiến tình hình tiêu thụ điều nhân sẽ chậm lại trong thời gian tới, nhất là trong 6 tháng cuối năm nay.
Nhìn vào diễn biến giá trong năm 2017 có thể thấy rằng, giá nhân điều đang có xu hướng sụt giảm nhẹ qua vài tháng gần đây sau khi đạt đỉnh vào hồi giữa năm nay. Hiện giá điều nhân xuất khẩu đã giảm tới 10% so với thời điểm tháng 6/2017.
Ông Trần Văn Hiệp, Trưởng ban Xúc tiến thương mại của Vinacas cho biết, trong năm 2017, các nhà bán lẻ như Walmart, Cosco… đều phản ánh giá nhân điều tăng quá cao. Chưa bao giờ trong lịch sử, giá nhân điều lại tăng bình quân đến 10 USD/kg. Với mức giá trên, một số nhà rang chiên thế giới đã bị thua lỗ hoặc lợi nhuận rất thấp nên hiện họ chưa vội mua vào, cần tới đâu thì mua tới đó và chờ đến vụ mới nguồn cung sẽ dồi dào hơn.
Trước diễn biến giá cả còn nhiều khó khăn, Vinacas và các doanh nghiệp thống nhất điều chỉnh sản lượng, kim ngạch xuất khẩu trong năm 2018, với mục tiêu “giảm lượng và tăng chất” trong chế biến xuất nhập khẩu điều. Cụ thể, sản lượng chế biến xuất khẩu giảm từ 350.000 tấn điều nhân các loại năm 2017 xuống còn 300.000 tấn năm 2018. Tương ứng kim ngạch xuất khẩu nhân điều giảm từ 3,5 tỷ USD xuống còn 3 tỷ USD.
Lý do chính các doanh nghiệp đưa ra là chưa chủ động được nguồn nguyên liệu tại chỗ, trong khi nhập khẩu giá quá cao và chất lượng kém. Vì vậy, ngành điều sẽ tập trung “giảm lượng tăng chất”, chế biến sâu và phát triển thị trường nội địa.
Để đảm bảo mục tiêu trên, Vinacas cũng đề xuất Nhà nước tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành ổn định sản xuất thông qua các chương trình như: Hỗ trợ doanh nghiệp ngành điều xây dựng thương hiệu quốc gia và thương hiệu thực phẩm Việt Nam; hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, mở rộng sản xuất, hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong nông nghiệp theo hướng sản xuất sạch hơn, đảm bảo điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm; hỗ trợ tiếp cận thương mại điện tử và kinh tế số để theo kịp với sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0…
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong năm 2017, lượng hạt điều xuất khẩu đạt khoảng 353.000 tấn và 3,52 tỷ USD, tăng 1,9% về khối lượng và tăng 23,8% về giá trị so với năm 2016. Với kết quả này, năm 2017 Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì thị phần trên 50% tổng giá trị xuất khẩu nhân điều toàn cầu (khoảng 5,5 tỷ USD), tiếp tục giữ vị trí số 1 thế giới về chế biến, xuất khẩu nhân điều.