Không chỉ vậy, tăng vốn điều lệ còn giúp các ngân hàng có thêm nguồn vốn khả dụng đầu tư vào công nghệ chuyển đổi số, đào tạo nhân lực, cơ sở hạ tầng, đảm bảo duy trì, cải thiện tính cạnh tranh, tăng trưởng nhanh và bền vững.
Thời gian qua, hàng loạt ngân hàng như: Kienlongbank, SeABank, VIB, NCB, ABBank, LienVietPostBank, MSB… đều được Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thông qua tờ trình tăng vốn điều lệ.
Đại diện Kienlongbank cho biết: Ngân hàng với mã chứng khoán KLB vừa được ĐHĐCĐ thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ trên 3.200 đến hơn 3.600 tỷ đồng dưới hình thức tăng vốn là phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2020 cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 13%. "Toàn bộ phần vốn tăng từ phát hành cổ phiếu dự kiến sử dụng đầu tư tài sản cố định, công nghệ thông tin, trang bị cơ sở vật chất, mở rộng mạng lưới hoạt động và bổ sung nguồn vốn đầu tư kinh doanh sinh lời. Năm 2021, Kienlongbank đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 1.000 tỷ đồng, chi cổ tức tỷ lệ 17%. Giai đoạn 2021 - 2025, ngân hàng tăng cường kiểm tra giám sát, nâng cao năng lực quản trị điều hành, quản lý rủi ro; gia tăng thu nhập từ dịch vụ phi tín dụng; nâng cấp hệ thống ngân hàng lõi", đại diện Kienlongbank cho biết.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã đồng ý VIB được tăng vốn điều lệ tối đa thêm gần 4.438 tỷ đồng bằng hình thức chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 40% cho cổ đông hiện hữu từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và quỹ dự trữ bổ sung vốn. Sau khi chia cổ phiếu thưởng, quy mô vốn của VIB sẽ lên mức tối đa hơn 15.531 tỷ đồng.
Ngoài ra, theo kế hoạch được ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 thông qua, ngân hàng còn dự kiến chào bán tối đa hơn 46,5 triệu cổ phiếu, tiếp tục nâng vốn lên khoảng 16.000 tỷ đồng. “Với số vốn tăng thêm, VIB dự kiến dùng 4.403 tỷ đồng để tăng cường cấp tín dụng; số còn lại để đầu tư tài sản thanh khoản, đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ, sản phẩm, năng lực quản trị rủi ro, đầu tư nâng cấp mạng lưới chi nhánh”, đại diện VIB cho biết.
Bên cạnh kế hoạch dự kiến ban đầu lên 15.238 tỷ đồng, nhằm tiếp tục nâng cao tiềm lực tài chính cũng gia tăng lợi ích cho cổ đông của SeABank, về kế hoạch tăng vốn điều lệ năm 2021, ĐHĐCĐ đã nhất trí bổ sung phương án phát hành thêm 136 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Theo đó, vốn điều lệ của SeABank sẽ tăng lên thành 16.598 tỷ đồng thông qua các hoạt động phát hành cổ phiếu. “Việc tăng vốn điều lệ giúp SeABank tăng năng lực tài chính để phát triển mạng lưới, nâng cao chất lượng hoạt động của ngân hàng; đồng thời giúp SeABank đứng vững trước những biến động của thị trường”, đại diện SeABank cho biết.
Đáng chú ý nhất, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch VPBank cho biết, năm 2022, dự kiến ngân hàng sẽ tăng vốn điều lệ lên tối thiểu 75.000 tỷ đồng, dành ngôi vị số 1 về vốn điều lệ ngành Ngân hàng. Theo đó, VPBank lên kế hoạch huy động thêm vốn thông qua phát hành riêng lẻ cho cổ đông chiến lược nước ngoài. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng có thể dùng thêm cả lượng cổ phiếu quỹ đang có để bán cho đối tác nước ngoài. Riêng về cổ tức, cổ đông VPBank đồng ý không chia cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu hay bằng tiền mặt, mà muốn để 8.825 tỷ đồng lợi nhuận để có vốn phục vụ hoạt động kinh doanh.
Đại diện lãnh đạo NCB cho biết: Ngân hàng sẽ tăng vốn lên hơn 7.000 tỷ đồng từ việc chào bán 150 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tổng giá trị chào bán tương đương 1.500 tỷ đồng và phát hành 3.000 trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ với mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, tổng giá trị trái phiếu dự kiến phát hành tương đương 3.000 tỷ đồng.
Thời gian tới, NCB tiếp tục đầu tư trọng điểm cho các dự án chuyển đổi số, nhằm tăng cường số hóa các sản phẩm bán lẻ, hỗ trợ khách hàng thực hiện giao dịch an toàn, hiệu quả và miễn phí. Tiêu biểu, ngân hàng sẽ nâng cấp hạ tầng công nghệ, corebanking, NCB iziMobile, e-KYC, InternetBanking; tiếp tục đẩy mạnh phát triển các hệ thống Core Thẻ mới và đưa vào golive hệ thống Thẻ tín dụng quốc tế, Open API…
Đề cập về việc hàng loạt ngân hàng tăng vốn điều lệ, TS Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia cho rằng: Ngân hàng càng cần tăng sức đề kháng, nhất là tăng vốn. Bởi rủi ro gia tăng thì hệ số CAR (tỉ lệ an toàn vốn) của các ngân hàng càng phải dày hơn để ứng phó tốt hay nói cách khác giảm thiểu thiệt hại khi thị trường biến động. Bên cạnh đó, tăng vốn để đảm bảo các ngân hàng sớm hoàn thành các trụ cột của Basel II (phiên bản thứ hai của Hiệp ước Basel) và hướng tới Basel III.
Theo nhiều chuyên gia ngân hàng, việc hoàn thành cả các chuẩn của Basel của mỗi ngân hàng không chỉ là đáp ứng các yêu cầu về tỷ lệ an toàn vốn mà còn bước đầu đáp ứng các yêu cầu về quản trị điều hành, quản lý rủi ro, quản lý vốn theo chuẩn mực quốc tế. Đây là nền tảng quản trị quan trọng để giúp các ngân hàng phát triển lành mạnh, an toàn, hiệu quả; qua đó thúc đẩy và đảm bảo sự phát triển bền vững của toàn bộ thị trường tài chính, cải thiện xếp hạng tín nhiệm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
“Tăng vốn là thách thức lớn đối với các ngân hàng năm 2021. Nhiều yếu tố tạo áp lực tăng vốn cho ngân hàng đó là các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng để xử lý nợ xấu. Điều này sẽ bào mòn lợi nhuận, ảnh hưởng đến năng lực tài chính. Tăng vốn cũng là điều kiện cần để đảm bảo khả năng cung tín dụng của các ngân hàng. Với tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2021 ở mức 12 - 13%, vốn chủ sở hữu của các ngân hàng tăng ít nhất khoảng 7 - 8%”, TS Cấn Văn Lực cho biết.