Đây là phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông và Hội đồng quản trị TPBank đã thông qua trong tháng 10/2020.
Việc tăng vốn điều lệ này sẽ giúp TPBank tăng hệ số an toàn vốn (CAR), nâng cao năng lực tài chính, đặc biệt khi TPBank đã hoàn thiện và áp dụng cả 3 trụ cột theo chuẩn Basel II (Phiên bản II của Hiệp ước Basel).
Tính đến cuối tháng 9/2020, hệ số CAR của TPBank đạt 11,4% tính theo tiêu chuẩn Basel II, cao hơn mức 8% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Tăng vốn cũng sẽ giúp TPBank gia tăng được nguồn vốn trung dài hạn, tạo điều kiện để ngân hàng đầu tư cơ sở vật chất; mở rộng mạng lưới hoạt động và đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng ở những năm tiếp theo.
Báo cáo tài chính quý III/2020 của TPBank cho thấy, lợi nhuận trước và sau thuế quý III của ngân hàng tăng 26% lên mức hơn 989 tỷ đồng và gần 792 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng của năm, lợi nhuận trước và sau thuế của TPBank tăng 26% so cùng kỳ, ghi nhận gần 3.023 tỷ đồng và gần 2.420 tỷ đồng.
Như vậy, so với kế hoạch 4.068 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế cả năm 2020, TPBank đã thực hiện được 74% kế hoạch sau 9 tháng.
Trước đó, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) cũng đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ từ hơn 35.001 tỷ đồng lên hơn 35.049 tỷ đồng thông qua việc thực hiện phương án phát hành cổ phần có lựa chọn cho người lao động (ESOP).
Theo đó, ngân hàng dự kiến phát hành hơn 4,7 triệu cổ phiếu cho người lao động với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Đây là Phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 của Techcombank và Hội đồng quản trị Techcombank thông qua.