Thời của ngân hàng số
So với ngân hàng truyền thống, ngân hàng số có những điểm khác biệt và có lợi thế cạnh tranh hơn. Đó là cung cấp sản phẩm dịch vụ ngân hàng trên nền tảng công nghệ số, chủ yếu được thực hiện thông qua internet, điện thoại di động thông minh, máy tính bảng và có thể cả mạng xã hội.
Mặt khác, mô hình kinh doanh, quản trị, điều hành ngân hàng trên nền tảng số từ ngân hàng số cũng giúp các ngân hàng thích ứng tốt và phát triển bền vững trong kỷ nguyên số, đem lại lợi ích cho ngân hàng về tăng doanh thu, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng sự gắn kết với khách hàng, đồng thời đem lại lợi ích thiết thực cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ.
Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP Hồ Chí Minh Trần Đình Cường cho rằng, TP Hồ Chí Minh là thị trường tiềm năng để phát triển ngân hàng số, đặc biệt là dịch vụ thanh toán. Các báo cáo cho thấy, số dân đang sinh sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh khoảng 13 triệu người nên nhu cầu vay vốn để sản xuất kinh doanh và tiêu dùng, chuyển tiền, thanh toán của người dân rất lớn. Chỉ tính số lượng khách hàng tham gia sử dụng dịch vụ ngân hàng trực tuyến từ 2016-2019, bình quân năm tăng gần 30%.
Nhiều chuyên gia kinh tế - tài chính cũng khẳng định, phát triển ngân hàng số là nhu cầu tất yếu giúp các ngân hàng vượt lên thách thức, tạo lợi thế cạnh tranh, chủ động thích ứng và phát triển bền vững trong bối cảnh cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 và sự nổi lên của kinh tế số. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 là cơ hội cho ngân hàng số phát triển mạnh mẽ hơn, tạo ra doanh thu cao hơn với chi phí vận hành thấp hơn, tốc độ mở rộng thị trường nhanh hơn, cho phép tiếp cận hệ sinh thái của các doanh nghiệp và khách hàng, mang lại lợi ích theo cấp số nhân về kiến thức và dữ liệu.
Có thể thấy, trong năm 2020, mặc dù nhiều ngành nghề và lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng các ngân hàng hay công ty tài chính vẫn có kết quả kinh doanh khả quan, thậm chí một số ngành liên quan tới công nghệ như thương mại điện tử hay ngân hàng kỹ thuật số còn tìm được cơ hội phát triển ngay trong mùa dịch. Số liệu từ Vụ Thanh toán thuộc NHNN cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2020, đã có 200 triệu giao dịch thanh toán qua Internet với giá trị khoảng 12,9 triệu tỷ đồng, tăng 36% (so với cùng kỳ năm 2019).
Thực tế cho thấy, nhiều ngân hàng xem ngân hàng số là trọng tâm phát triển thời gian qua như: TPBank ra mắt ứng dụng LiveBank; VPBank ra mắt ngân hàng số Yolo sau mô hình Timo; OCB ra mắt ngân hàng số OCB OMNI; Techcombank chú trọng phát triển trải nghiệm của khách hàng trên ngân hàng trực tuyến... Đã có 93% ngân hàng phản hồi khảo sát của Vietnam Report cho biết, hiện đang đầu tư đổi mới công nghệ và phát triển kênh bán hàng qua công nghệ số; 80% cho biết đang số hóa các nghiệp vụ lõi của ngân hàng và thu hút lao động trong lĩnh vực công nghệ cao và công nghệ thông tin.
Bên cạnh đó, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tập trung hoàn thiện, ban hành cơ chế chính sách, xây dựng hành lang pháp lý trong hoạt động ngân hàng thích ứng với xu hướng số hóa dịch vụ và ứng dựng mạnh mẽ công nghệ số, hợp tác mở như mô hình ngân hàng đại lý, nhận biết ngân hàng điện tử (e-KYC); tiền điện tử, xây dựng và triển khai tiêu chuẩn thống nhất về thanh toán QR Code, tiêu chuẩn thẻ chíp nội địa... đảm bảo tính tương thích, liên thông.
Nhân lực “chất lượng” là yếu tố quyết định đột phá
Tuy vậy, chuyển đổi số mang tới thách thức về nhân sự cho ngành ngân hàng bên cạnh những lợi ích về hiệu quả vận hành, kinh doanh. Vì vậy, giữa các ngân hàng diễn ra cuộc cạnh tranh nhân sự rất quyết liệt. Thậm chí, sự cạnh tranh nhân sự chuyển đổi số không chỉ diễn ra giữa các ngân hàng mà còn giữa ngân hàng với các công ty fintech - những đơn vị chấp nhận trả rất nhiều tiền để thu hút nhân sự chất lượng.
“Ngân hàng số là lĩnh vực còn khá mới mẻ tại thị trường Việt Nam, nguồn nhân lực chủ yếu được tuyển dụng từ các ngân hàng truyền thống với chuyên môn tài chính ngân hàng hoặc từ các công ty công nghệ. Để tạo ra những trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng khi sử dụng các dịch vụ tài chính, bản thân Timo phải xây dựng đội ngũ “customer experience – nhân viên chăm sóc và phát triển trải nghiệm khách hàng” được tuyển từ ngành tài chính ngân hàng hoặc từ các ngành dịch vụ bảo hiểm, du lịch, khách sạn, nhà hàng, du lịch…”, ông Bùi Hải An, Giám đốc vận hành Timo, một trong những ngân hàng số tiên phong tại thị trường Việt Nam cho biết.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hải Long, Phó Tổng giám đốc Agribank chia sẻ: “Trước xu hướng bùng nổ của công nghệ, ngân hàng cũng xác định chiến lược phát triển sản phẩm dịch vụ theo hướng tập trung nâng cao trải nghiệm và đáp ứng đồng bộ nhu cầu tài chính của khách hàng. Theo đó, Agribank đang triển khai thử nghiệm mô hình ngân hàng tự động áp dụng định danh khách hàng điện tử (eKYC) bằng công nghệ sinh trắc giúp khách hàng đăng ký thông tin, mở tài khoản trực tuyến… Tuy nhiên, trong quá trình này, một trong những vấn đề gây "đau đầu" cho lãnh đạo ngân hàng là bài toán nguồn nhân lực, khi nhân sự liên quan đến lĩnh vực công nghệ, số hoá… không nhiều nhưng lại rất dễ nhảy việc”.
Đây cũng là vấn đề nan giải đối với VietinBank khi Phó Tổng giám đốc Trần Công Quỳnh Lân thừa nhận các ngân hàng không chỉ cạnh tranh với nhau về nhân sự mà còn bị cạnh tranh bởi các công ty fintech. Các công ty này sẵn sàng trả lương cao hơn để lôi kéo nhân sự khi nhu cầu thị trường cao mà nguồn nhân lực hiện tại chưa đáp ứng được.
Bên cạnh tuyển dụng, các ngân hàng số còn đầu tư dài hạn vào đào tạo, phát triển nhân viên, xây dựng văn hóa doanh nghiệp và các chính sách phúc lợi để giữ chân nhân tài. Bà Ngô Thúy Hân, Giám đốc điều hành BravoHR - công ty cung cấp ứng dụng hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc quản lý nhân sự và gắn kết, lương thưởng nhân viên cho biết: “Theo khảo sát của Anphabe về khái niệm đánh giá nơi làm việc tốt nhất, lương đã không còn là mối quan tâm hàng đầu của người lao động. Yếu tố gắn bó của một nhân sự đối với doanh nghiệp là đánh giá đúng tầm quan trọng của việc xây dựng văn hóa công ty cũng như có kế hoạch phát triển nhân lực dài hạn, đưa ra những chính sách đãi ngộ hợp lý để giữ chân người tài thay vì chỉ tập trung vào khâu tuyển dụng đầu vào như hiện nay”.