Triển khai Đề án đẩy mạnh phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường nông nghiệp, nông thôn
Ra đời trong bối cảnh “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, Đề án phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường nông nghiệp, nông thôn của Agribank có vai trò và ý nghĩa kinh tế - xã hội hết sức quan trọng trong việc đẩy mạnh chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt, đồng thời phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường nông nghiệp, nông thôn theo chủ trương của Chính phủ và Chỉ thị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đơn giản hóa các khoản tiêu dùng nhỏ lẻ, đồng thời gia tăng sự tiếp cận nguồn vốn ngân hàng của các cá nhân, hộ gia đình cũng như các dịch vụ thanh toán văn minh, hiện đại.
Đây cũng là nội dung quan trọng trong thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030 theo Quyết định 149/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó Chính phủ đặt mục tiêu phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản, hướng đến những đối tượng mục tiêu là những người chưa được tiếp cận hoặc ít được tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ tài chính, như: Người sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; người nghèo, người thu nhập thấp, phụ nữ và những đối tượng yếu thế khác… tạo điều kiện giúp họ có cơ hội tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính ngân hàng một cách thuận tiện, phù hợp nhu cầu với chi phí hợp lý. Sau hơn một năm triển khai, đã phát hành gần 300 nghìn thẻ cho đối tượng khách hàng ở địa bàn nông nghiệp, nông thôn và trên 1.700 POS mới được lắp đặt, hạn mức thấu chi đã cấp 1.600 tỷ đồng, dư nợ thấu chi tài khoản đăng ký phát hành thẻ đạt gần 500 tỷ đồng.
Việc triển khai Đề án cùng các chính sách ưu đãi thiết thực hứa hẹn sẽ sớm hiện thực hóa mục tiêu chủ động đi tắt, đón đầu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của Agribank trong bối cảnh có sự phát triển mạnh mẽ của các Công ty Fintech, Trung gian thanh toán; Xây dựng hệ sinh thái khép kín qua ngân hàng giữa khách hàng sử dụng thẻ và các nhà cung ứng sản phẩm dịch vụ; Mở rộng mạng lưới Đơn vị chấp nhận thẻ tại địa bàn nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là các đơn vị cung cấp dịch vụ công, như: Điện, nước, viễn thông, học phí, viện phí... và các đơn vị/cá nhân cung ứng vật tư nông nghiệp, thu mua nông sản; Đơn giản hóa tối đa thủ tục cho vay đối với các khoản cho vay tiêu dùng nhỏ lẻ ở khu vực nông thôn để góp phần tham gia đấu tranh, hạn chế “tín dụng đen”; Khẳng định vai trò chủ lực của Agribank trên thị trường tài chính nông thôn, với hơn 30 năm đồng hành cùng nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Phát triển mạng lưới máy giao dịch tự động tại thị trường nông nghiệp nông thôn
Agribank là ngân hàng tiên phong trong việc thực hiện chủ trương chính sách của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, Agribank là ngân hàng duy nhất và tiên phong trong việc triển khai các máy giao dịch tự động (ATM) từ năm 2003 đến khắp mọi miền của Tổ quốc từ vùng núi cao biên giới tới vùng sâu, vùng xa cũng như tới các đảo xa với gần 1.500 máy được đặt ở khu vực nông nghiệp, nông thôn trong tổng số hơn 3.300 máy ATM trên toàn quốc.
Trong thời gian tới, Agribank xác định mục tiêu xây dựng Ngân hàng Thương mại (NHTM) hiện đại, hội nhập, tập trung đầu tư, ứng dụng công nghệ hiện đại gắn với đổi mới mô hình tổ chức hướng tới ngân hàng số, chuyển đổi thành NHTM cổ phần, hoạt động an toàn, hiệu quả, giữ vững vị trí chủ lực trên thị trường tài chính nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, tập trung đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, sáng tạo trong thiết kế và phân phối dịch vụ tài chính ngân hàng phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của mọi người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, dân cư nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người có thu nhập thấp.
Không chỉ phục vụ các khách hàng truyền thống, Agribank cũng có sản phẩm riêng biệt cho đối tượng khách hàng trẻ như học sinh, sinh viên qua đó đóng vai trò kết nối, truyền tải sản phẩm dịch vụ ngân hàng số, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng đến cá nhân, hộ gia đình tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, góp phần thực hiện chiến lược tài chính toàn diện quốc gia của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước. Agribank hiện là một trong số ít các NHTM tiên phong triển khai ATM đa chức năng (CDM). Với nhiều tính năng giao dịch vượt trội, màn hình cảm ứng hiện đại, khả năng quay vòng tiền, hệ thống CDM được khách hàng đánh giá cao qua việc gia tăng chức năng, tiện ích cung cấp cho khách hàng, không chỉ gửi/rút tiền tự động mà còn thanh toán tiền vay tại CDM thay vì phải đến quầy giao dịch. Việc mở rộng mạng lưới CDM, đã góp phần giúp Agribank đi tắt, đón đầu, tránh lạc hậu về công nghệ, khẳng định vị trí tiên phong trên thị trường thẻ. Đây là cơ sở để Agribank tiến tới triển khai mở rộng các dịch vụ ngân hàng số hiện đại, như eKYC, giao dịch rút tiền không cần thẻ, v.v....
Thúc đẩy các dịch vụ ngân hàng số tại khu vực nông nghiệp, nông thôn
Trong giai đoạn tới, trước xu hướng toàn cầu hóa, phổ cập tài chính toàn diện và đặc biệt là sự bùng nổ của cách mạng công nghiệp 4.0, Agribank xác định chiến lược phát triển sản phẩm dịch vụ theo hướng tập trung nâng cao trải nghiệm và đáp ứng đồng bộ nhu cầu tài chính ngân hàng của khách hàng thông qua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, kênh phân phối và tiến tới triển khai mô hình ngân hàng số. Cụ thể:
Agribank cung cấp dịch vụ thẻ, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn huyện, thị xã, thị trấn, thị tứ với các giao dịch thuộc lĩnh vực dịch vụ công (thanh toán hóa đơn điện, nước, điện thoại, học phí, viện phí,v.v…), thanh toán vật tư nông nghiệp đầu vào, thanh toán nông sản đầu ra của khách hàng hộ sản xuất, cá nhân, v.v…; Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, cấp tín dụng qua thẻ (thẻ tín dụng và thấu chi thẻ ghi nợ) với hạn mức và chính sách phù hợp (cho vay không có bảo đảm bằng tài sản, hồ sơ thủ tục đơn giản, nhanh chóng).
Triển khai hiệu quả mô hình Autobank với sản phẩm lõi là CDM/CRM nhằm tiết giảm chi phí vận hành, chi phí kiểm quỹ, tiếp quỹ ATM, giảm áp lực cho giao dịch tại quầy tiến tới thay thế dần các Phòng giao dịch truyền thống. Trong năm 2021, Agribank sẽ nghiên cứu, triển khai thử nghiệm mô hình Autobank áp dụng phương thức định danh khách hàng e-KYC bằng công nghệ sinh trắc học (cả khuôn mặt và vân tay) cho phép khách hàng đăng ký thông tin khách hàng (CIF) trực tuyến, đăng ký mở tài khoản trực tuyến, đăng ký phát hành thẻ, nhu cầu vay vốn trực tuyến thay vì phải vào quầy giao dịch, v.v..nhằm số hóa 100% dịch vụ cho khách hàng ở khu vực nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó, Agribank sẽ tiếp tục đầu tư phát triển hơn nữa các dịch vụ E-Mobile Banking, Internet Banking để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng mọi lúc, mọi nơi.
Agribank tin tưởng rằng, với bề dày và kinh nghiệm hoạt động ở thị trường nông nghiệp, nông thôn Agribank sẽ tiếp tục là một định chế tài chính hiện đại, có trách nhiệm góp phần định hướng và dẫn dắt thị trường thanh toán phát triển bền vững vì một nước Việt Nam phát triển, thịnh vượng.