Ngân hàng số giúp giảm chi phí giao dịch và gia tăng lợi nhuận

Theo ông Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá (Bộ Tài chính), các ngân hàng và tổ chức tài chính cần tăng cường chuyển đổi số để tiếp cận khách hàng với chi phí rẻ hơn, nâng cao chất lượng dịch vụ, cá nhân hóa trải nghiệm người dùng. "Chuyển đổi số sẽ tạo ra 2 lợi ích cơ bản là giảm thiểu chi phí giao dịch và gia tăng lợi nhuận", ông Ngô Trí Long cho biết.

Chú thích ảnh
MB phát triển nền tảng số cho doanh nghiệp nhằm tối ưu hóa các giao dịch. Ảnh: Thu Hoài

Chuyển đổi số đóng góp cho tăng trưởng

"Chuyển đổi số không còn là một khái niệm, mà là hành động cụ thể, quyết định sự sống còn, tồn vong của bất kỳ tổ chức nào, trong đó có các ngân hàng. Đó là lý do để các ngân hàng đã và đang chạy đua đầu tư công nghệ để chuyển đổi số", ông Ngô Trí Long nhấn mạnh.

Đại diện ngân hàng MB cho biết: Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, ngân hàng có nhiều giải pháp để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp như triển khai 5 đợt giảm lãi suất với số tiền lợi nhuận trích ra để hỗ trợ doanh nghiệp, khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19 là khoảng 2.000 tỷ đồng, hỗ trợ kịp thời hơn 105.000 khách hàng có dư nợ trên 75.000 tỷ đồng được giảm lãi suất với mức giảm từ 0,5 - 1,5%.

Để đảm bảo gia tăng lợi nhuận trong bối cảnh trên, MB phải cắt giảm nhiều chi phí hoạt động với chỉ số chi phí trên doanh thu (CIR) giảm gần 2% so với năm 2019. “Nhờ chuyển đổi số, MB vẫn có mức tăng trưởng đột phá năm 2020 về số lượng khách hàng, đạt 90 triệu giao dịch điện tử, gấp 3 lần so với 2019 và 84,4% giao dịch trên kênh số. Hạn mức giao dịch qua ứng dụng công nghệ App của MB cao nhất thị trường, lên đến 15 tỷ nếu khách hàng sử dụng Digital OTP (phương thức xác thực trực tuyến nâng cao và được tích hợp ngay trên App của ngân hàng). Với các ứng dụng App MBBank, Biz MBBank, mô hình giao dịch tự động SmartBank, Smart RM của MB đã đóng vai trò tích cực trong thúc đẩy mức tăng trưởng không kỳ hạn của khách hàng cá nhân gấp 2 năm 2019”, đại diện MB cho biết.

Theo VPBank, chiến lược số hóa của VPBank đang giúp tối ưu hóa vận hành, giảm thiểu chi phí, nâng cao trải nghiệm và gia tăng nền tảng khách hàng; doanh số giao dịch qua kênh ngân hàng điện tử tăng gấp 2 lần so với 2019. Việc kiểm soát tối đa chi phí kết hợp với áp dụng số hóa đã giúp chi phí hoạt động hợp nhất được kiểm soát giảm 7,7% so với 2019. Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) hợp nhất giảm mạnh còn 29,2% so với 33,9% cuối 2019, ở nhóm tốt nhất trong hệ thống các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam.

VPBank hiện là một trong những ngân hàng tích cực phối hợp cùng Văn phòng Chính phủ xây dựng phát triển Cổng Dịch vụ công Quốc gia (DVCQG). Theo đó, người dân có thể kết nối và thanh toán trực tuyến trên Cổng DVCQG một cách thuận tiện với VPBank, tạo bước ngoặt trong việc cải cách thủ tục hành chính, đem lại nhiều lợi ích cho người dân và xã hội như: Tiết kiệm thời gian, tiền bạc cho dân; đồng thời tăng tính minh bạch trong thu ngân sách. 

Đề cập về tăng tốc chuyển đổi số, ông Huỳnh Ngọc Huy - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cho biết: LienVietPostBank đang xây dựng dịch vụ số, kết hợp triển khai việc số hóa hoạt động bán hàng. “Trong 3 - 5 năm tới, LienVietPostBank sẽ tiếp tục từng bước số hóa các hoạt động nghiệp vụ, gồm số hóa các quy trình thực hiện, đào tạo nâng cao năng lực cho nhân sự nhằm đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển đổi số”, ông Huỳnh Ngọc Huy cho biết.

Theo lãnh đạo LienVietPostBank, với LienViet24h, khách hàng có thể giao dịch và quản lý tài khoản/thẻ mọi lúc, mọi nơi mà không cần đến ngân hàng. LienViet24h luôn đặt vấn đề bảo mật lên hàng đầu khi sử dụng nhiều vòng bảo mật giúp người dùng an tâm hơn khi trải nghiệm dịch vụ. Năm 2021, ngân hàng phấn đấu sẽ có thêm 600.000 khách hàng đăng ký sử dụng LienViet24h, đến năm 2025 có khoảng 5 triệu khách hàng sử dụng LienViet24h.

Giảm chi phí vận hành đáng kể từ ngân hàng số

Theo ông Ngô Trí Long, thông thường mỗi năm, 1 ngân hàng truyền thống trung bình chỉ mở được khoảng 5 - 6 phòng giao dịch, trong khi mô hình ATM hay LiveBank (hoạt động gần như 1 phòng giao dịch tự động) lại không bị giới hạn về tốc độ mở và thời gian phục vụ (24/7). Hay như đối với ứng dụng tiết kiệm tốc độ tăng trưởng khách hàng so với 1 chi nhánh truyền thống là 100 lần (khoảng 70.000 - 80.000 khách hàng mới/tháng), năng suất huy động cũng tăng đáng kể, khoảng 150 tỷ đồng/tháng...

Ngoài ra, ngân hàng số còn giúp kiểm soát chi phí giao dịch và vận hành ở mức thấp. Theo số liệu của một ngân hàng, chi phí bình quân cho 1 giao dịch tại 1 chi nhánh truyền thống là khoảng 23.000 đồng, nhưng với LiveBank, chi phí này chỉ còn hơn 11.000 đồng/giao dịch, tương ứng giảm 50% và đối với eBank chỉ mất 2%/giao dịch, tức là chưa đến 500 đồng/giao dịch. Tương tự, chi phí vận hành (bao gồm đầu tư và duy trì) của LiveBank chỉ bằng 20% so với một chi nhánh truyền thống. Ứng dụng công nghệ giúp gia tăng năng suất của AI Chatbot, dẫn đến giảm tải 30% cho lực lượng tổng đài trung tâm (Call Center), hay như công nghệ sinh trắc học nhận diện giọng nói (Voice Biometrics) đã giúp giảm 15% thời gian xử lý cuộc gọi...

Tuy nhiên chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng chỉ ra nhiều thách thức lớn với cuộc chạy đua cam go này. Đầu tiên là việc thay đổi mô hình kinh doanh, mô hình quản trị với trọng tâm là phát triển các kênh phân phối mới, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại mang tính tích hợp cao. Hạ tầng công nghệ và hệ thống nền tảng thanh toán tại Việt Nam hiện chưa đáp ứng được nhu cầu tăng nhanh của người dùng, dù ngành ngân hàng được xem là đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong vận hành, quản lý.

Theo ông Ngô Trí Long, cơ quan quản lý cũng phải tự đổi mới nhằm hỗ trợ thị trường tốt hơn, tạo hành lang pháp lý đồng bộ và kịp thời điều chỉnh, giám sát các hoạt động trên thị trường. “Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành liên quan để tạo cơ sở dữ liệu quốc gia, cho phép mở, chia sẻ và kết nối với các dịch vụ như: Ngân hàng, viễn thông và bảo hiểm. Chính phủ nên đưa ra khuôn khổ pháp lý về bảo mật dữ liệu người dùng và bảo mật thông tin để tạo ra một hệ thống giao dịch kỹ thuật số an toàn và đáng tin cậy”, ông Ngô Trí Long cho biết.

Theo ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hiện 95% tổ chức tín dụng (TCTD) đã, đang hoặc dự tính sẽ xây dựng chiến lược chuyển đổi số. Trong đó 38% TCTD đã phê duyệt chiến lược chuyển đổi số hoặc tích hợp chuyển đổi số trong chiến lược phát triển kinh doanh/công nghệ thông tin; 42% TCTD đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số; 15% đơn vị có dự định triển khai.

Để có những khung pháp lý phù hợp với tốc độ chuyển đổi số, ông Lê Anh Dũng đã đưa ra các giải pháp như: Xây dựng, ban hành Chương trình hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Quyết định 749/QĐ-TTg của Chính phủ; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hạ tầng công nghệ ngành ngân hàng, tăng cường tích hợp, kết nối hạ tầng, ứng dụng ngân hàng với các ngành, lĩnh vực dịch vụ; triển khai các nội dung liên quan đến phát triển ngân hàng số, hợp tác ngân hàng - Fintech, ứng dụng công nghệ thông tin trong khuôn khổ Chiến lược Quốc gia về tài chính toàn diện.

 

Minh Phương/Báo Tin tức
Ngân hàng số Vietcombank khắc phục sự cố lỗi kết nối
Ngân hàng số Vietcombank khắc phục sự cố lỗi kết nối

Chiều 5/10, hàng loạt khách hàng của Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) than phiền vì không thể đăng nhập vào tài khoản ngân hàng số VCB Digibank, giao dịch trực tuyến trên cả ứng dụng di động lẫn trên website đều rất khó khăn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN