Chiều ngày 23/7, Viện Nghiên cứu Tài chính và Hợp tác Thương mại Đông Nam Á, đã tổ chức buổi tọa đàm “Ngân hàng số, cách mạng công nghệ 4.0". Tại buổi tọa đàm, ngoài các nhà nghiên cứu về tài chính còn có sự góp mặt của rất nhiều giảng viên đến từ các trường đại học như: Học viện Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, Học viện Ngân hàng….
Quá trình triển khai ngân hàng số đang đặt ra một số thách thức cho ngành ngân hàng. Trong quản lý điều hành, khi ngành ngân hàng chuyển đổi các mô hình kinh doanh, quản trị, điều hành, cung ứng dịch vụ ngân hàng theo mô hình kinh doanh mới cũng đòi hỏi phải thay đổi từ tư duy đến hành động. Việc xây dựng hành lang pháp lý cũng đòi hỏi vừa phải tạo ra sự thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, vừa phải bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, tránh những bất ổn về tài chính.
Ông Phùng Thanh Quang (Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội) cho biết: “Năm 2020, Việt Nam chọn là năm chuyển đổi số quốc gia. Trong nhiều năm, các ngân hàng đi đầu trong việc sử dụng công nghệ để hỗ trợ nhu cầu đa dạng về tài chính của khách hàng. Các lĩnh vực được ngân hàng sử dụng gồm kế toán, dịch vụ thương gia, an ninh mạng, hệ thống bảo mật, quản lý rủi ro, dịch vụ khách hàng, cho vay, đánh giá tín dụng, quản lý tài sản, bán hàng và tiếp thị…”.
Tiến sĩ Đào Thị Hương (Học viện Tài chính): “Tại Việt Nam, đã có một vài ngân hàng số như Timo của VPbank, nhưng không phát triển tốt được do thói quen của người dùng. Nhiều người, cho rằng phải giao dịch bằng “tiền tươi thóc thật”, nhất là ở những vùng quê. Hơn thế nữa, hiện tại nguồn nhân lực cũng đang là nỗi lo của các ngân hàng hiện tại”.
Theo ông Ngô Thanh Xuân (Đại học Kinh tế Quốc dân), xu hướng phát triển của ngân hàng số rất cần đến sự minh bạch, những thông tin phải được đảm bảo an toàn.