Bắt nhịp xu hướng ngân hàng số, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đã nghiên cứu, phát triển nhiều sản phẩm dịch vụ tiện ích đáp ứng kịp thời nhu cầu phong phú, đa dạng của đông đảo khách hàng, qua đó góp phần tích cực cùng ngành ngân hàng đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt theo chủ trương của Chính phủ.
Đón bắt lợi thế
Kết quả của khảo sát “dịch vụ ngân hàng, hành vi sử dụng của người dùng và xu hướng tại Việt Nam” của Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDG) tại Việt Nam cho thấy, các giải pháp về ngân hàng điện tử đang ngày càng được sử dụng phổ biến hơn và được đánh giá cao về tính tiện lợi, tiết kiệm thời gian, với 81% người dùng sử dụng các giải pháp e-banking (năm 2017) so với tỷ lệ này là 21% trong năm 2015. Không nằm ngoài xu hướng đó, thời gian qua, nhóm dịch vụ ngân hàng điện tử e-banking của Agribank có sự tăng trưởng mạnh mẽ, phát huy đà tăng trưởng tốt của những năm trước.
Thông qua việc Agribank triển khai các chương trình khuyến mại, kết hợp triển khai bán theo gói (mở tài khoản và đăng ký sử dụng các dịch vụ), phát triển các tiện ích dịch vụ mobile banking, internet banking đã thu hút khách hàng mới mở tài khoản và đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử e-banking. Đến nay, số khách hàng sử dụng dịch vụ của Agribank đạt khoảng 5,8 triệu người.
Các dịch vụ thuộc nhóm ngân hàng điện tử e-banking gồm: dịch vụ vấn tin số dư; sao kê 5 giao dịch gần nhất; nạp tiền Vntopup; nạp tiền thuê bao trả sau cho điện thoại di động các mạng Viettel, Vinaphone, Mobile phone; nạp tiền ví điện tử Vnmart; mua thẻ Game bằng điện thoại di động; tự động thông báo giao dịch thẻ tín dụng quốc tế; thanh toán hóa đơn điện lực qua tin nhắn SMS; thanh toán học phí qua tin nhắn SMS; Agribank e-mobile banking; internet banking…
Đặc biệt, dịch vụ Agribank e-mobile banking là một trong các dịch vụ ngân hàng điện tử của Agribank được đông đảo khách hàng lựa chọn bởi khi sử dụng dịch vụ này cho phép khách hàng sử dụng nhiều dịch vụ tài chính ngân hàng như: vấn tin tài khoản đăng ký dịch vụ của khách hàng (kiểm tra số dư, xem thông tin tài khoản và tra cứu lịch sử giao dịch gần nhất trong thời gian 1 tháng); chuyển khoản trong hệ thống Agribank và liên ngân hàng; nạp tiền điện thoại trả trước…
Agribank đã và đang tiếp tục tạo thuận lợi khuyến khích khách hàng mở tài khoản tại ngân hàng. Trong chiến lược phát triển dịch vụ giai đoạn 2016-2020, Agribank xác định phát triển sản phẩm dịch vụ lấy khách hàng là trọng tâm, mở rộng cơ sở khách hàng, phát triển khách hàng mở tài khoản và sử dụng dịch vụ tiện ích. Cụ thể, phát triển khách hàng mở tài khoản thanh toán đi đôi với cung ứng các giải pháp thanh toán đồng bộ cho các đối tượng khách hàng; vận động khách hàng mở tài khoản thanh toán và giải ngân qua tài khoản đối với khách hàng vay vốn tại Agribank.
Lãnh đạo Agribank cho biết, trước xu thế cách mạng công nghiệp 4.0 hiện diện trên mọi lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội, nhóm dịch vụ ngân hàng điện tử e-banking của Agribank ngày càng phát triển ấn tượng, chiếm vị trí quan trọng trong cơ cấu sản phẩm dịch vụ của ngân hàng.
Các dịch vụ ngân hàng tiện ích được Agribank phát triển trên nền tảng ngân hàng điện tử đã và đang góp phần làm phong phú, đa dạng sản phẩm dịch vụ Agribank, tăng tiện ích dịch vụ tài khoản thanh toán, phát triển các kênh phân phối hiện đại, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn, nhất là trong bối cảnh thị trường với quy mô dân số lớn, tỷ lệ người sử dụng điện thoại, internet cao. So với thị trường những nước tiên tiến, ngân hàng số ở Việt Nam mới ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển.
Đa dạng hình thức thanh toán
Phương thức thanh toán không dùng tiền mặt là xu hướng tất yếu của sự phát triển. Việc thanh toán không dùng tiền mặt đem lại nhiều lợi ích cho quốc gia cũng như doanh nghiệp và cá nhân về mặt thời gian, kinh phí. Thực hiện Đề án thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2006 – 2010, tầm nhìn 2020 của Thủ tướng Chính phủ, Agribank đã tập trung xây dựng nền tảng quan trọng để phát triển dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.
Cụ thể, Agribank triển khai hàng loạt các dự án công nghệ quan trọng như hệ thống core banking kết nối thanh toán trực tiếp của toàn bộ các Chi nhánh trong toàn hệ thống, kết nối với tổ chức thẻ quốc tế Visa và Công ty chuyển mạch tài chính quốc gia Banknet, nâng cấp mạng truyền thông, kết nối trực tuyến với các công ty chứng khoán, cung cấp dịch vụ SMS banking là tiền đề quan trọng để phát triển e-banking.
Bên cạnh đó, Agribank đã nghiên cứu xây dựng quy trình nghiệp vụ thanh toán theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế, đáp ứng nhu cầu thanh toán với dung lượng ngày càng cao của nền kinh tế qua hệ thống Agribank.
Ông Nguyễn Việt Hải, Trưởng Ban Nghiên cứu phát triển sản phẩm dịch vụ Agribank cho biết, hệ thống kênh phân phối của Agribank đã phát triển đa dạng, hiện đại hơn, giúp khách hàng có thể tiếp cận dịch vụ của Agribank mọi lúc, mọi nơi. Đến nay Agribank có hơn 2.300 chi nhánh và phòng giao dịch trên khắp vùng miền cả nước, trải rộng từ địa bàn đô thị, thành phố lớn đến các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và được đầu tư lớn về cơ sở vật chất, kỹ thuật, hạ tầng công nghệ thông tin, các hệ thống thiết bị và phần mềm ứng dụng, đáp ứng nhu cầu về dịch vụ thanh toán của khách hàng.
Phát triển các sản phẩm thanh toán, tiện ích dịch vụ đi kèm, với định hướng chuyển đổi từ kinh doanh chủ yếu dựa vào cấp tín dụng sang phát triển kinh doanh đa dạng về dịch vụ, Agribank đã đưa ra thị trường hơn 200 sản phẩm dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng phong phú của khách hàng và nền kinh tế.
Bên cạnh các sản phẩm truyền thống như huy động vốn, tín dụng, thanh toán, Agribank cung cấp hơn 50 sản phẩm dịch vụ mới trên các kênh phân phối hiện đại như ATM/POS/EDC, mobile banking, internet banking đến khách hàng cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước. Số lượng tài khoản tiền gửi thanh toán của Agribank đạt gần 11 triệu tài khoản cá nhân, gần 300.000 tài khoản doanh nghiệp, tổ chức, số lượng giao dịch thanh toán đạt trên 47 triệu giao dịch/năm.
Tuy nhiên, đại diện Agribank cũng cho rằng, việc đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt của các ngân hàng cũng như Agribank hiện nay gặp nhiều khó khăn. Tại Việt Nam có khoảng 2/3 dân số sống ở khu vực nông thôn, sản xuất khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp thủy hải sản, đóng góp khoảng 20% tổng GDP.
Việc đẩy mạnh cung ứng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tại nông thôn cũng gặp không ít khó khăn do hiểu biết về dịch vụ ngân hàng nói chung và các dịch vụ thanh toán nói riêng của người dân còn hạn chế, thói quen sử dụng tiền mặt trong thanh toán còn phổ biến. Mặt khác, là mức độ tiếp cận công nghệ mới, hiện đại - yếu tố quan trọng trong thanh toán không dùng tiền mặt thấp. Đối với ngân hàng tại địa bàn nông thôn rộng lớn, dân số đông đòi hỏi đầu tư lớn cho hệ thống thanh toán, chi phí hoạt động cao.
Nhu cầu về vốn và các dịch vụ phục vụ nhu cầu sản xuất và đời sống, phát triển nông nghiệp và nông thôn nói chung và kinh tế hộ gia đình nói riêng là rất lớn từ đó mở ra không ít cơ hội cũng như thách thức đối Agribank trong việc tiếp cận, giới thiệu và cung ứng dịch vụ đến khách hàng tại khu vực này.
Bài 4: Cái "bắt tay" giữa ngân hàng và Fintech