Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh, đơn vị này đã làm việc với Ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp, các doanh nghiệp có số lượng công nhân lớn và các ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố để chủ động trong việc chi trả lương, thưởng cho công nhân, đặc biệt là công nhân ở các khu chế xuất, khu công nghiệp.
Theo đó, ngoài việc trả lương, thưởng qua tài khoản ATM, các ngân hàng sẽ bố trí cán bộ tới tận các khu chế xuất, khu công nghiệp, doanh nghiệp để trả lương, thưởng trực tiếp cho công nhân. Phương án này đã được ngành ngân hàng thành phố triển khai thực hiện hiệu quả trong vài năm gần đây, góp phần nhằm giảm tải cho hệ thống ATM trong dịp Tết, do doanh nghiệp thường chi trả lương, thưởng vào những ngày cận Tết.
Hiện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh đang chờ danh sách cập nhật các doanh nghiệp chi trả lương thưởng Tết từ các Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất để phối hợp với các ngân hàng thương mại hỗ trợ chi trả bằng tiền mặt trực tiếp cho công nhân tại các doanh nghiệp có số lượng công nhân lớn.
Với khoảng 4.120 máy ATM, 80.000 máy POS và các giải pháp đang được triển khai, đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh khẳng định, không lo tình trạng nghẽn ATM xảy ra trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, khả năng xảy ra sự cố kỹ thuật tại các máy ATM vẫn có thể xảy ra, đặc biệt là ở những ngân hàng không có sự đầu tư cho máy ATM, vẫn sử dụng máy đời cũ.
Do đó, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng phải có cán bộ kỹ thuật trực thường xuyên để đảm bảo nếu có xảy ra sự cố thì sẽ được xử lý ngay trong ngày. Bộ phận tiếp quỹ cũng phải trực liên tục, kể cả đêm giao thừa và ngày mùng 1 Tết để tiếp quỹ kịp thời cho các ATM. Đồng thời, phải có chế độ bảo vệ an ninh cho các máy camera để tránh trường hợp trộm cướp có thể xảy ra cũng như an toàn cho khách hàng đến rút tiền tại ATM.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh cũng kỳ vọng xu hướng ngân hàng số và thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian gần đây sẽ giúp giảm tải 15-17% nhu cầu sử dụng tiền lẻ, tiền mặt và nhu cầu rút tiền tại các ATM. Bởi lẽ, nhu cầu tiền lẻ trong dịp Tết rất lớn. Chỉ tính riêng tháng cận Tết, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh đã chi ra lượng tiền gấp 3-4 lần so với các tháng bình thường nên chỉ cần giảm một vài phần trăm cũng là con số rất lớn.
Về phía các ngân hàng thương mại, bên cạnh việc thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng các máy ATM, các ngân hàng cũng tăng cường công tác bảo mật, an ninh đối với các giao dịch số; cảnh báo đến người dùng các trường hợp lừa đảo có thể xảy ra… đảm bảo cho hoạt động thanh toán diễn ra an toàn và thông suốt trong dịp Tết.
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam mới đây cũng khuyến cáo tới khách hàng cần cẩn trọng trong giao dịch, tránh bị mất cắp thông tin và bị chiếm đoạt tiền trong tài khoản vào dịp lễ, Tết. Bởi lẽ, thời điểm cận Tết luôn là thời điểm khách hàng có nhu cầu giao dịch tăng cao đột biến, đặc biệt là các giao dịch mua sắm trực tuyến. Đây cũng là thời điểm mà các hoạt động gian lận, lừa đảo tài chính diễn ra phức tạp với các thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng có văn bản yêu cầu các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch cụ thể về hoạt động ATM dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, giám sát chặt chẽ hoạt động của hệ thống ATM, đảm bảo mạng lưới ATM hoạt động an toàn và thông suốt; có biện pháp phù hợp giảm tải cho ATM tại các địa bàn thường xảy ra hiện tượng ATM quá tải…