Mặc dù vừa ứng phó dịch bệnh COVID-19, vừa ứng phó với biến động nguồn nguyên liệu trong nước nhưng các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm Việt Nam đã nỗ lực đưa kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 3,85 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2019. Hiện các doanh nghiệp vẫn tiếp tục nỗ lực, khắc phục khó khăn để đưa ngành tôm khởi sắc hơn trong năm 2021.
Giá tăng nhưng khan nguyên liệu
Thời điểm gần cuối năm 2020, giá tôm tăng nhưng nguồn cung nguyên liệu lại khan hiếm bởi đây cũng chính là thời điểm cuối vụ thu hoạch tôm tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Do tác động từ dịch COVID-19, sản xuất của nhiều quốc gia vẫn còn bị ảnh hưởng lớn. Trong khi nhu cầu tiêu dùng thực phẩm vẫn diễn ra hàng ngày thì nguồn cung lại eo hẹp hơn so với trước nên giá tôm xuất khẩu tăng cao, kéo theo giá tôm nguyên liệu trong nước cũng nhảy vọt.
Các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm Việt Nam nhìn nhận, giá tôm tăng là tín hiệu đáng mừng cho người nuôi nhưng số người nuôi được hưởng lợi từ đợt tăng giá này là không nhiều vì đây đã là thời điểm cuối.
Thông thường, khi giá tôm tăng mạnh trở lại dịp cuối năm sẽ giúp người nuôi mạnh dạn hơn trong việc quyết định thả nuôi sớm. Nhưng do đến cuối tháng 10, giá tôm vẫn còn thấp, người nuôi cũng không mấy mặn mà trong việc tiếp tục thả nuôi vì chưa biết biến động của giá.
Điều này khiến tôm nguyên liệu thiếu hụt sang đến đầu năm 2021 và khả năng giá tôm sẽ còn tiếp tục tăng nếu như thị trường tiêu thụ không có nhiều biến động bất lợi - ông Võ Văn Phục - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam (Vinacleanfood) chia sẻ.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các doanh nghiệp, giá tôm có thể giữ vững ở mức cao trong những tháng đầu năm 2021 hay không phụ thuộc rất nhiều vào cung – cầu của thế giới.
Năm nay là năm thế mạnh của chế biến và xuất khẩu tôm, do các nước tập trung vào Việt Nam để mua. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp đã thiếu cân nhắc trong ký hợp đồng giao hàng, cung ứng nguồn tôm xuất khẩu cho nhà nhập khẩu. Vì muốn đẩy tốc độ tăng trưởng cả năm cao nên họ tập trung bán nhiều trong giai đoạn vừa qua. Do đó, dù giá tôm tăng cao nhưng nếu các doanh nghiệp không có hàng dự trữ thì cũng khó đáp ứng đơn hàng theo hợp đồng trong thời gian tới.
Nguồn nguyên liệu tôm được dự báo sẽ khan hiếm trong thời điểm đầu năm 2021 bởi người nuôi chưa thả nuôi kịp để sản xuất gối đầu. Dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp là nhiều quốc gia; trong đó có nhiều thị trường truyền thống của ngành tôm Việt Nam như Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc....
Do đó, ngành tôm khó có thể dự báo được tình hình xuất khẩu vào đầu năm 2021. Hiện tại, một số thị trường đã đóng cửa nhà hàng để phòng, chống dịch nên kênh tiêu thụ này được nhận định chắc chắn tiếp tục sụt giảm.
Linh hoạt thị trường
Theo đánh giá của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, một trong những kinh nghiệm được rút ra trong việc ứng phó với dịch COVID-19 là phải linh hoạt về thị trường và đa dạng hóa sản phẩm. Các doanh nghiệp chuyển từ chế biến mặt hàng thế mạnh sang phục vụ nhu cầu của thị trường trong điều kiện ứng phó với dịch bệnh.
Trước đây, doanh nghiệp đóng gói tôm đông lạnh với trọng lượng khoảng 5-10kg/sản phẩm thì nay chỉ đóng từ 1-2kg/sản phẩm để giúp người tiêu dùng thuận lợi trong chi trả nhất là với bối cảnh nhiều người đang phải tiết kiệm chi tiêu để chống dịch. Cùng với các kênh tiêu thụ lớn tại siêu thị, đại lý bán lẻ thông qua sàn giao dịch điện tử bán hàng trực tiếp với các hộ dân trong điều kiện không cho họp chợ vì thực hiện giãn cách xã hội cũng được triển khai.
Theo ông Lưu Hoàng Ly - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, hiện nhiều công ty chế biến xuất khẩu tại Bạc Liêu còn chế biến tôm nuôi theo mô hình công nghiệp, quảng canh; đồng thời, tập trung chế biến các mặt hàng tôm biển, cá biển, mực và chế biến cả mặt hàng làm thức ăn nhanh phục vụ cho thị trường tiêu thụ nội địa trong điều kiện xuất khẩu gặp khó.
Nhiều doanh nghiệp tham gia chế biến mặt hàng phục vụ thị trường du lịch trong nước thông qua việc tham gia tạo ra các sản phẩm OCOP như: Công ty xuất khẩu thủy sản Tôm Việt, Công ty TNHH MTV Thanh Phu, Công ty cổ phần Công nghệ và đầu tư Cửu Long… với nhiều sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 4 sao.
Bên cạnh việc khai thác thêm thị trường mới, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm tại Bạc Liêu vẫn duy trì thị trường xuất khẩu truyền thống trước đây để tiếp tục xuất khẩu vào Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Trung Đông... và tiếp tục mở rộng thêm thị trường mới ở các nước châu Á. Ngoài ra, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA) có hiệu lực vào đầu tháng 8/2020 cũng mở ra rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu tôm.
Ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) chia sẻ, để có sản lượng và chất lượng tôm tốt hơn, cần thiết phải tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm. Bởi sản phẩm không chỉ muốn là bán được mà còn phải cạnh tranh với các quốc gia khác khi họ cũng có khả năng phát triển rất nhanh như Ấn Độ, Indonesia,… Hiện khó có thể giảm giá thành, nên để cạnh tranh, chỉ còn cách tạo sự khác biệt về mặt chất lượng để thuyết phục khách hàng chấp nhận mua sản phẩm của Việt Nam với mức giá cao hơn.
Do đó, nguồn nguyên liệu khan hiếm là một lợi thế cho chế biến và xuất khẩu tôm Việt Nam. Tuy nhiên, nếu không đánh giá tình hình thế giới một cách toàn diện, không linh động trong sản xuất, chế biến thì không thể tận dụng được khó khăn để tìm ra cơ hội cho ngành tôm khởi sắc trong năm 2021.