Năm 2021 ngành dệt may xuất khẩu phấn đấu đạt 39 tỷ USD

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn dệt may Việt Nam nhận định: Năm 2021 vẫn đầy khó khăn và bất định. Trong xu thế giảm giá, hàng hoá dệt may đơn giản sẽ thay thế hàng thời trang, dẫn tới năng lực sản xuất của doanh nghiệp dệt may sẽ trở nên dư thừa và xuất hiện những yêu cầu về năng lực sản xuất mới.

Chú thích ảnh
 May hàng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản của Công ty cổ phần may Hưng Việt, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Năm 2021, ngành dệt may đặt kế hoạch bằng năm 2020, xuất khẩu phấn đấu đạt 39 tỷ USD. Để hoàn thành chỉ tiêu này, ông Lê Tiến Trường kiến nghị với Chính phủ và các bộ ngành tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, giảm lãi suất vay dài hạn. Bộ Công Thương sớm hướng dẫn cụ thể hơn về các FTA…

Theo ông Lê Tiến Trường, năm 2020 do ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, cho nên lợi nhuận thời trang toàn cầu giảm 93%, hơn 10 chuỗi cung ứng và thương hiệu thời trang lớn trên thế giới phá sản, khoảng 200.000 lao động trong chuỗi cung ứng thời trang của Mỹ đã mất việc làm.

Trước tình hình trên, dưới sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành, địa phương trong phòng chống dịch COVID-19 nên Việt Nam là nước duy nhất trong top 5 các nước xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới không bị cách ly và không bị dừng sản xuất. Đây có thể nói là nguyên nhân quan trọng nhất giúp cho dệt may Việt Nam có mức giảm thấp nhất trong xuất khẩu, nhất là mặt hàng quần áo.

Cũng theo ông Lê Tiến Trường, nhờ không bị gián đoạn sản xuất nên thị phần hàng dệt may Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng, lần đầu đạt tăng trưởng 20% tại thị trường Mỹ. Trong đó, nhiều tháng đứng đầu về thị phần. Các Hiệp định thương mại, FTA không bù đắp được hoàn toàn sự sụt giảm của thị trường nhưng cũng đã góp phần đỡ thiếu hụt về mặt đơn hàng. Hàng dệt may Việt Nam đã có sự chuẩn bị từ đầu năm khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn, với nhiều giải pháp tổng hợp và dịch chuyển nguồn cung.

Ngay từ đầu tháng 2/2020, nhiều doanh nghiệp đã sản xuất các sản phẩm phòng dịch COVID-19 như khẩu trang… bình ổn giá trong nước và các mặt hàng này đã trở thành hàng xuất khẩu quan trọng đảm bảo việc làm cho nhiều người lao động. Ngành dệt may Việt Nam cũng xác định hai tài sản quan trọng nhất cần bảo vệ đó là lực lượng lao động lành nghề và vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu với mục tiêu đáp ứng ngay thị trường khi phục hồi trở lại. Chính quan điểm này đã giúp ngành dệt may đảm bảo cơ bản được việc làm cho người lao động với trên 4 triệu người dù việc ít đi, thu nhập thấp đi nhưng vẫn trên mức trung bình, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Ông Lê Tiến Trường cho biết: Năm 2020 kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may Việt Nam giảm hơn 10%, lợi nhuận giảm 15% nhưng lương của người lao động chỉ giảm 4,5%, đạt trung bình trên 8,1 triệu đồng/người/tháng, do giảm giờ làm trên 12%, lương thực tế theo giờ tăng trên 8%. Các doanh nghiệp nhận được sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng gặp riêng ngành dệt may 2 lần, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trực tiếp chỉ đạo ngành dệt may các sản phẩm phòng dịch, các Bộ trưởng đều có cuộc làm việc riêng để giải quyết các khó khăn của ngành trong những tháng tình hình dịch COVID-19 diến ra gay gắt.

 

V.T/Báo Tin tức
Thúc đẩy hợp tác Việt Nam và Ấn Độ trong lĩnh vực dệt may
Thúc đẩy hợp tác Việt Nam và Ấn Độ trong lĩnh vực dệt may

Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, ngày 30/12, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp các nhà nhập khẩu Ấn Độ (IICCI) tổ chức hội nghị giao thương trực tuyến với chủ đề “Khám phá cơ hội đầu tư và kinh doanh Việt Nam-Ấn Độ trong lĩnh vực dệt may”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN