Theo thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), luỹ kế 8 tháng năm 2020, các doanh nghiệp đã đăng ký phát hành hơn 2.064 đợt trái phiếu với số vốn dự kiến huy động hơn 435.550 tỷ đồng. Kết quả có 174 doanh nghiệp phát hành thành công và huy động hơn 237.000 tỷ đồng.
Một trong những nguyên nhân bùng nổ phát hành trái phiếu trong thời điểm trước tháng 9/2020 là do doanh nghiệp gấp rút chạy đua trước thời điểm Nghị định mới với những ràng buộc chặt chẽ hơn về điều kiện phát hành. Trước sự tăng trưởng quá nóng của trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã ban hành Nghị định 81/2020/NĐ-CP được kỳ vọng sẽ tạo khuôn khổ pháp lý chặt chẽ với hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ.
Theo quy định mới, tổng số trái phiếu phát hành của doanh nghiệp không được vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu và khoảng cách giữa 2 lần phát hành phải tối thiểu 6 tháng, mỗi doanh nghiệp chỉ phát hành 1 - 2 đợt mỗi năm. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải kê khai mục đích phát hành và lập kế hoạch kinh doanh rõ ràng để nhà đầu tư giám sát việc sử dụng vốn. Các quy định này, theo nhiều chuyên gia tài chính sẽ làm “hạ nhiệt” thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nhất là hạn chế được rủi ro thanh toán trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản.
Nghị định 81 bắt buộc doanh nghiệp tham gia phải có hợp đồng tư vấn với tổ chức tư vấn về hồ sơ phát hành trái phiếu trừ trường hợp phát hành là tổ chức được phép cung cấp dịch vụ tư vấn hồ sơ phát hành trái phiếu. Nghị định cũng bổ sung yêu cầu báo cáo tài chính kiểm toán trong bộ hồ sơ phát hành phải có ý kiến chấp nhận toàn phần, nếu ngoài trừ phải có giải thích hợp lý và xác nhận của kiểm toán yếu tố ngoại trừ không ảnh hưởng đến điều kiện phát hành nhằm nâng cao tiêu chuẩn với tổ chức phát hành. Ngoài ra tại Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung một loạt quy định cập nhật thông tin và kiểm soát chặt chẽ hơn cả thị trường sơ cấp và thứ cấp.
Theo Công ty cổ phần chứng khoán SSI, Nghị định 81 đưa ra các yêu cầu cao hơn đối với tổ chức phát hành và các đơn vị trung gian khi thực hiện phát hành riêng lẻ nhưng không có quy định mới đối với nhà đầu tư. Kể từ 1/1/2021, khi Luật chứng khoán 2019 có hiệu lực, các đợt phát hành riêng lẻ sẽ chỉ được phân phối đến nhà đầu tư chuyên nghiệp.
“Với các quy định được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 81 thì điều kiện tham gia phát hành chặt chẽ hơn. Như vậy sẽ đảm bảo hơn đối với phía các nhà đầu tư khi tham gia thị trường này”, ông Trương Thanh Đức nói.
Để bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư khi tham gia thị trường trái phiếu, ông Trương Thanh Đức cho rằng, quan trọng là thắt chặt, yêu cầu doanh nghiệp khi tham gia phát hành phải công khai, minh bạch thông tin. Nếu phát hiện doanh nghiệp gian dối xử lý thật mạnh tay.
“Minh bạch thông tin ở đây không đơn thuần chỉ là vấn đề tài chính mà các dự án để huy động vốn cũng phải minh bạch. Doanh nghiệp không thể huy động làm cái này mà dùng tiền vào cái khác được, đó là lừa đảo, sử dụng sai mục đích. Thậm chí nên lập một website riêng để đưa tất cả thông tin lên giúp nhà đầu tư dễ tìm kiếm”, đại diện Công ty Luật BASICO nói.
Vì vậy yêu cầu lớn nhất đặt ra chính là chống gian dối, lừa đảo, không nên can thiệp vào câu chuyện rủi ro khi đầu tư. Do vậy bên cạnh hành lang pháp lý, một số chuyên gia tài chính cho rằng, quan trọng nhất vẫn là tư duy, tầm nhìn của nhà đầu tư khi tham gia thị trường này.
Trước hết, nhà đầu tư nên tìm hiểu thông tin về doanh nghiệp phát hành trái phiếu chứ không chỉ quan tâm tới lãi suất. Thông tin cần chú ý bao gồm, lịch sử phát triển của doanh nghiệp, cơ cấu ban lãnh đạo, ngành nghề kinh doanh, báo cáo tài chính, tỷ lệ nợ vay… Khi thẩm định chất lượng trái phiếu, tuỳ vào độ hiểu biết mà nhà đầu tư lựa chọn trái phiếu có lãi suất và rủi ro ở mức chấp nhận được.