Từ đầu năm đến nay dù vẫn có những ngân hàng chật vật vì giá cổ phiếu chưa qua nổi vùng mệnh giá nhưng cũng có vài ngân hàng vượt qua mốc 10.000 đồng/cổ phiếu và một số ngân hàng có cổ phiếu tăng giá mạnh.
Niêm yết vào tháng 8/2017, giá cổ phiếu VPBank được định giá khá cao. |
Anh Nguyễn Việt Dũng nêu ví dụ như: TPBank là trường hợp đáng lưu ý trên thị trường chứng khoán OTC. Giá một cổ phiếu ngân hàng này được đẩy lên quanh mức 25.000- 26.000 đồng, ngang với giá cổ phiếu của các ngân hàng lớn niêm yết trên sàn chứng khoán như: MB, VietinBank, VIB, BIDV. So với đầu năm, TPBank cũng đã tăng giá gấp hơn 2 lần.
HDBank cũng là hiện tượng đáng chú ý. Nếu như đầu năm, HDBank được giới đầu tư giao dịch chỉ quanh vùng 9.000 – 10.000 đồng/cổ phiếu, rồi đẩy lên 11.000 đồng thì vài tháng gần đây, giá cổ phiếu ngân hàng này tăng vọt, hiện đã lên đến 30.000-32.000 đồng/cổ phiếu, tức cũng tăng giá gấp hơn 3 lần chỉ trong vòng 11 tháng. “Vào những ngày đầu tháng 12, mỗi cổ phiếu TCB đã được các nhà đầu tư đẩy lên tới 57.000 đồng – 60.000 đồng, tăng gấp 4 lần so với đầu năm. Nếu tính trên thị trường hiện nay thì Techcombank đang có giá đắt đỏ nhất”, đại diện chứng khoán SHB nói.
Đồng tình quan điểm này, chuyên gia ngân hàng TS Nguyễn Trí Hiếu dự báo: Năm tới nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ khởi sắc vì 2 năm qua, nhiều ngân hàng đã thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngân hàng hiệu quả; đồng thời trích lập dự phòng quỹ rủi ro rất lớn. Trong năm 2018, nhiều ngân hàng sẽ hoàn nhập lại số tiền ở quỹ này và không phải trích lập nhiều nữa.
Trong năm qua, con số dự phòng tại Vietcombank và VietinBank đã vượt quá cả số dư nợ xấu từ nhóm 3 đến nhóm 5. Đặc biệt, mức dự phòng của Vietcombank đã vượt trội hơn 4.000 tỷ đồng trong khi ngân hàng này đã không còn nợ xấu tại Công ty quản lý tài sản VAMC. Điều này đồng nghĩa với việc trong trường hợp chưa phải dùng dự phòng để xóa nợ xấu thì Vietcombank vẫn có thêm hơn 4.000 tỷ lợi nhuận.
Một ngân hàng khác cũng có mức trích lập dự phòng rủi ro cao là MBBank, lên đến 1.799 tỷ đồng sau 3 quý đầu năm, tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái (9 tháng đầu năm 2016, dự phòng rủi ro MBBank phải trích là 1.162 tỷ đồng).
Chuyên gia tài chính Bùi Quang Tín cho rằng, cổ phiếu ngân hàng đã trở nên hấp dẫn hơn các năm trước khi "cục máu đông" nợ xấu đã có hướng xử lý theo Nghị quyết 42 thí điểm xử lý nợ xấu. Các ngân hàng chủ yếu thu lời từ hoạt động tín dụng mà tốc độ tín dụng gần đây tăng trưởng tốt cũng làm cho kết quả kinh doanh của ngân hàng khả quan hơn. Chính vì vậy mà giá cổ phiếu niêm yết trên sàn tăng trong thời gian gần đây và các nhà đầu tư ngoại không muốn bỏ qua cơ hội nắm giữ cổ phiếu ngân hàng.
Theo các chuyên gia ngân hàng, cổ phiếu ngân hàng một thời được xem là cổ phiếu “vua” sôi động là nhờ các thương vụ mua bán cổ phần cho nước ngoài thu về hàng trăm triệu USD.
Vietcombank vừa công bố thông tin chào bán lần đầu 18,87 triệu cổ phiếu OCB của Ngân hàng Phương Đông. Số cổ phiếu OCB mà Vietcombank đang sở hữu tương đương 4,85% tỷ lệ cổ phiếu đang lưu hành của OCB. Đại diện Vietcombank cho biết, mức đấu giá khởi điểm của mỗi cổ phiếu OCB là 13.000 đồng. Giá cổ phiếu OCB trên sàn OTC hiện giao dịch trên dưới 14.000 đồng. So với mệnh giá, nếu thoái thành công số cổ phiếu này, Vietcombank tối thiểu thu về lãi ròng gần 57 tỷ đồng từ khoản đầu tư này tại OCB. Thời gian Vietcombank đấu giá số cổ phiếu này là 10h sáng 29/12 tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).
Như vậy, nếu bán hết số cổ phiếu OCB này, Vietcombank sẽ thu về ít nhất 245,5 tỷ đồng. Trước đó trong một phân tích gần đây, Công ty chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC) cho rằng, với kế hoạch thoái vốn tại 4 ngân hàng (SaigonBank, Quân đội - MB, Eximbank, OCB) và 1 công ty tài chính (Tài chính xi măng - CFC), Vietcombank sẽ thu về khoản lợi nhuận đáng kể khoảng 2.540 tỷ đồng.
Theo HNX, phiên đấu giá cổ phần Tổng công ty Vàng Agribank (AJC) trong sáng 15/12 đã diễn ra thành công với tỷ lệ cổ phần đấu giá thành công là 100%. Cụ thể, 3 nhà đầu tư tổ chức trong nước mua toàn bộ 12,62 triệu cổ phần AJC (chiếm 61,24% vốn điều lệ) với giá đấu bình quân là 15.044 đồng/cổ phiếu, cao hơn đáng kể mức giá khởi điểm 13.900 đồng/cổ phiếu. Theo tính toán, Agribank thu về khoảng 190 tỷ đồng. Trước đó, phiên đấu giá cổ phần AJC đã thu hút sự quan tâm lớn khi có 13 nhà đầu tư đăng ký mua với số lượng đặt mua cao gần gấp đôi lượng chào bán.
Giá tăng nhưng để mua được các lô lớn cổ phiếu ngân hàng cũng không dễ nếu như không thông qua các nhà môi giới để nhờ họ “gom”. Anh Xuân Hương, một nhà đầu tư lâu năm và chuyên “săn” cổ phiếu OTC ngân hàng chia sẻ, cổ phiếu ngân hàng vẫn được ưa chuộng khi có kết quả kinh doanh chắc chắn hoặc khi xuất hiện dự báo về khả năng sáp nhập, hoặc có tin sẽ bán cho nhà đầu tư nước ngoài.
Theo dự báo của ông Trương Hiền Phương, Giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam- Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh, thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục xu hướng tăng trong cực ngắn, sau đó điều chỉnh và tích lũy, chờ sóng tăng từ quý I/2018. Trong năm 2018, dự báo 3 nhóm ngành chính thu hút dòng tiền là ngân hàng, chứng khoán và bất động sản.
Ông Phương cho rằng, tháng 2 - 3 hàng năm là khoảng thời gian doanh nghiệp trả cổ tức, đề ra kế hoạch mới, nên sóng tăng sẽ được trợ lực trong giai đoạn này. Nhà đầu tư cũng cần lưu ý là cuối tháng 1, thị trường thường có sự điều chỉnh nhẹ, vì nhiều người có nhu cầu bán chứng khoán để xử lý các vấn đề tài chính khi hết năm.