Kiến nghị kéo dài thời gian trả nợ ngân hàng cho dịch vụ lưu trú

“Nếu cơ cấu thời gian trả nợ từ năm nay, thêm 12 tháng là năm 2022, khi mở cửa thị trường quốc tế, các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú mới có nguồn thu. Mong Ngân hàng Nhà nước - NHNN có giải pháp cụ thể đối với dịch vụ lưu trú trong bối cảnh COVID-19 kéo dài”, bà Phạm Thị Trung Hà, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại Cổ phần Quân đội (MB) kiến nghị.

Chú thích ảnh
COVID-19 kéo dài, nhiều cơ sở kinh doanh lưu trú, khách sạn vắng bóng khách du lịch. Ảnh: Hải Yên/Báo Tin tức.

Theo bà Phạm Thị Trung Hà, Thông tư 03/2021/TT-NHNN áp dụng cho rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực nhưng đối với dịch vụ lưu trú, nếu thêm 12 tháng tính từ ngày cơ cấu nợ thì vẫn khó khăn. Nguyên do dịch vụ lưu trú còn bị tác động dài do thị trường du lịch Việt Nam chưa mở cửa đón khách quốc tế. Đặc biệt tại khu vực miền Trung như Đà Nẵng, Khánh Hòa, rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh cơ sở lưu trú gặp rất nhiều khó khăn do chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Đối với lĩnh vực giao thông, NHNN đã có riêng Thông tư hướng dẫn hỗ trợ Vietnam Airlines, trong khi dịch vụ lưu trú vẫn phải thực hiện theo Thông tư 03.

Thông tư số 03/2021/TT-NHNN được NHNN ban hành nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN, có hiệu lực từ ngày 17/5. Theo đó, NHNN cho phép các tổ chức tín dụng (TCTD) cơ cấu lại thời hạn trả nợ với các khoản nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến hết năm 2021. Trong khi trước đó, Thông tư 01/2020 chỉ cho phép tái cơ cấu với các khoản nợ phát sinh nghĩa vụ từ 23/1/2020 đến sau 3 tháng từ ngày Thủ tướng công bố hết dịch. Tuy nhiên, NHNN vẫn giữ nguyên quy định thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ không vượt quá 12 tháng kể từ ngày TCTD thực hiện cơ cấu. Việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ được thực hiện đến ngày 31/12/2021.

“Sau khi ngân hàng giảm lãi suất theo Thông tư 01, các doanh nghiệp có khả năng trả nợ tốt hơn. Từ khi cơ cấu nợ năm 2020, có tới 80% khách hàng có thể trả nợ đúng hạn, còn 20% chưa trả nợ đúng hạn, tập trung lĩnh vực lưu trú, du lịch, dịch vụ”, bà Phạm Thị Trung Hà cho biết.

Đề cập tới một số ý kiến lo ngại nguy cơ xảy ra tình trạng có TCTD trục lợi chính sách, TS Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) cho biết, không loại trừ trường hợp này có thể xảy ra ở các ngân hàng yếu kém. "Tuy nhiên các TCTD phải trích lập dự phòng rủi ro với số nợ chênh lệch và kéo dài trong vòng 3 năm nên áp lực cho các TCTD rất lớn. Không có ngân hàng nào muốn lợi dụng cơ chế này để trục lợi”, TS Nguyễn Quốc Hùng nhận định. 

Nhìn chung, với những thay đổi tại Thông tư 03, các doanh nghiệp sẽ giảm áp lực tài chính tương đối nhiều trong bối cảnh doanh thu sụt giảm ảnh hưởng nguồn trả nợ, nhất là các doanh nghiệp quy mô lớn. Điều quan trọng, doanh nghiệp có khả năng tiếp tục vay mới tiếp tục duy trì sản xuất, khắc phục khó khăn trước đây và có thêm thời gian để phục hồi. 

Để giải quyết những vướng mắc phát sinh về việc tiếp cận vốn ngân hàng của các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19, VNBA vừa gửi công văn tới Bộ Kế hoạch Đầu tư đề nghị Chính phủ xem xét ban hành Nghị định cho phép ngân hàng được khoanh nợ các khoản vay thuộc đối tượng áp dụng tại Thông tư 01 nay là Thông tư 03 như áp dụng đối với Nghị định 55 và Nghị định 116 sửa đổi về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp nông thôn đối với những khoản nợ rủi ro do dịch bệnh. 

Minh Phương/Báo Tin tức
Du lịch nội địa phục hồi thuận lợi sau đợt dịch COVID-19
Du lịch nội địa phục hồi thuận lợi sau đợt dịch COVID-19

Mùa du lịch hè - cao điểm của du lịch nội địa đang đến rất gần. Đợt nghỉ lễ 30/4-1/5 sắp tới kéo dài 4 ngày chính là cơ hội tốt cho các đơn vị du lịch lữ hành đón khách.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN