Theo Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 9/2018, lực lượng kiểm tra sau thông quan (KTSTQ) đã thực hiện 5.976 cuộc kiểm tra. Số tiền đã thực thu vào ngân sách nhà nước-NSNN (gồm số thu các cuộc năm 2017) là 1.723 tỷ đồng, tăng 19%, đạt 77% chỉ tiêu năm nay. Tổng số tiền ấn định thuế và xử phạt vi phạm hành chính là 1.821,7 tỷ đồng, tăng 11%.
Riêng quý III/2018, công tác KTSTQ tập trung kiểm tra tại địa bàn trọng điểm như: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương; mặt hàng trọng điểm như phế liệu, rượu, giấy…; lĩnh vực gia công hàng sản xuất, xuất khẩu. Đồng thời, đơn vị thu thập thông tin về các doanh nghiệp trọng điểm và doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu để thực hiện KTSTQ.
Tính đến hết tháng 9/2018, Cục KTSTQ đã thực hiện KTSTQ 131 cuộc tại trụ sở người khai hải quan, đạt 89% chỉ tiêu được giao năm 2018. Số tiền ấn định thuế và xử phạt vi phạm hành chính là 957,5 tỷ đồng, tăng 89% (so với cùng kỳ năm ngoái). Số tiền đã thực thu vào NSNN (bao gồm thu cả các cuộc năm 2017) là 854,9 tỷ đồng, tăng 77%.
Tuy nhiên theo đại diện Cục KTSTQ, quá trình thực hiện vẫn gặp nhiều vướng mắc. Theo Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, khi xây dựng, phê duyệt kế hoạch thanh tra hàng năm không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 1 lần/năm đối với doanh nghiệp. Thực tế, khi hải quan vào KTSTQ tại doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp viện dẫn Chỉ thị 20/CT-TTg để xin hoãn và dừng KTSTQ như: Cơ quan thuế nội địa kiểm tra quyết toán thuế; cơ quan phòng cháy chữa cháy, môi trường...
Bên cạnh đó, công tác thu hồi nợ đọng thuế chưa đạt so với chỉ tiêu. Nguyên nhân do số nợ lớn từ năm 2008, 2009 chuyển sang (chiếm gần 50% chỉ tiêu) khó đòi do doanh nghiệp chây ỳ, đang khiếu kiện, khiếu nại hoặc do doanh nghiệp chuyển sang các hoạt động khác không còn hoạt động XNK hàng hóa nên việc thu đòi nợ đọng rất khó khăn...
“Từ nay tới cuối năm, hải quan sẽ đặc biệt chú trọng thực hiện kiểm tra các trường hợp doanh nghiệp có rủi ro cao, hoạt động xuất nhập khẩu phức tạp và thực hiện sản xuất, XNK tại nhiều địa phương khác nhau; kiểm tra làm mẫu các lĩnh vực, vấn đề nổi cộm để chỉ đạo, hướng dẫn hải quan địa phương thực hiện”, ông Minh nói.
Đồng thời theo dõi, quản lý việc KTSTQ các doanh nghiệp trọng điểm, địa bàn trọng điểm và các doanh nghiệp tập đoàn lớn; thu thập thông tin thực hiện KTSTQ các doanh nghiệp, các lĩnh vực, mặt hàng, nhóm hàng có dấu hiệu vi phạm và rủi ro cao. Cùng với đó, cục chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh công tác KTSTQ tại cơ quan hải quan đối với các lô hàng có dấu hiệu rủi ro cao, các trường hợp nghi ngờ về mã số, trị giá.