Kết quả kinh doanh quý II hỗ trợ thị trường chứng khoán

Chỉ số chứng khoán Việt Nam gần như đi ngang trong tuần giao dịch qua (từ 17 - 21/6) trong bối cảnh nhà đầu tư duy trì sự thận trọng trước phiên đáo hạn phái sinh và động thái cơ cấu của các quỹ ETF (quỹ hoán đổi danh mục). Bước sang tuần giao dịch tới, sự chú ý của thị trường sẽ chuyển hướng sang những số liệu vĩ mô quan trọng sắp được công bố.

Kết quả kinh doanh quý II sẽ tích cực

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: Hải Yên/Báo Tin tức

Chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect cho rằng các thông tin được nhà đầu tư quan tâm trong tuần tới đó là chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ - thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và số liệu tăng trưởng GDP quý 2 và số liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 của Việt Nam.

Bên cạnh đó, câu chuyện kết quả kinh doanh quý II cũng sẽ dần được nhắc đến khi một số doanh nghiệp bắt đầu công bố số liệu ước tính.

Nhìn chung, bức tranh kết quả kinh doanh quý II vẫn sẽ tích cực và là yếu tố hỗ trợ quan trọng cho thị trường. 

VNDirect kỳ vọng chỉ số VN-Index tiếp tục tích lũy quanh vùng 1.280 điểm trước khi hội tụ đủ xung lực để chinh phục lại ngưỡng kháng cự 1.300 điểm vào đầu quý III tới.

Nhà đầu tư nên tận dụng giai đoạn thị trường tích lũy trong biên độ hẹp này để cơ cấu lại danh mục đầu tư, ưu tiên tỷ trọng vào các nhóm ngành có triển vọng kết quả kinh doanh tích cực và chưa tăng giá mạnh trong giai đoạn vừa qua, VNDirect khuyến nghị

Về diễn biến thị trường, phiên đầu tuần (17/6), VN-Index giảm nhẹ hơn 5 điểm với khối ngoại bán ròng 845 tỷ đồng phiên thứ 8 liên tiếp. Trong phiên, nhóm cổ phiếu thép tăng ấn tượng, với HSG tăng 6,9%; NKG tăng 4,3% và HPG tăng 1,2% khi nhà đầu tư đón nhận thông tin Việt Nam bắt đầu điều tra bán phá giá tôn mạ thép nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc.

VN-Index phục hồi hơn 4 điểm trong phiên 18/6 với POW tăng 7%. Cổ phiếu này đã tăng 42% kể từ tháng 4 nhờ nhu cầu điện tăng cao và kỳ vọng của nhà đầu tư đối với triển vọng nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4. Phiên này, lực cầu cũng tập trung vào nhóm cao su với GVR tăng 1,8%; PHR tăng 2,5% do nhóm ngành này được hưởng lợi từ giá xuất khẩu cao su tăng cao.

Thị trường diễn biến giằng co trong phiên 19/6 khi đóng cửa tăng chưa đầy 1 điểm, trong khi cổ phiếu hàng không HVN tăng 7% do nhà đầu tư kỳ vọng hoạt động kinh doanh của HVN sẽ tiếp tục phục hồi song song với đà phục hồi của nhóm ngành hàng không.

VN-Index tiếp tục đi ngang quanh ngưỡng 1.280 điểm trong phiên 20/6 với VPB tăng 3,7%. Đà tăng này có được do nhà đầu tư kỳ vọng VPB được hưởng lợi từ đà phục hồi của khu vực bán lẻ. Bên cạnh đó, TCB tăng 2,7% sau khi tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu tỷ lệ 1:1.

Thị trường diễn biến giằng co trong phiên cuối tuần khi giảm 0,3 điểm về cuối phiên. Phiên này, FPT diễn biến tích cực khi tăng 2,1%, mặc dù khối ngoại chốt lời đáng kể tuần vừa qua.

Kết thúc tuần giao dịch từ 17 - 21/6, VN-Index tăng 0,2% lên 1.282 điểm, HNX-Index tăng 0,2% lên 244,4 điểm và UPCOM tăng 2,6% lên 100,6 điểm.

Tuần qua, VRE giảm 6,8%, BID giảm 4%, VCB giảm 1,7% gây áp lực lên chỉ số chung. Ngược lại, HVN tăng 14,9%; VPB tăng 4,8% và FPT tăng 3,9% là các nhân tố chính hỗ trợ lên thị trường.

Thanh khoản tuần qua giảm 4,9% xuống 23.326 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại tiếp đà bán ròng 4.883 tỷ đồng trên cả 3 sàn; trong đó, khối ngoại bán ròng 4,962 tỷ đồng trên HOSE, 55,2 tỷ đồng trên HNX, trong khi mua ròng 134,3 tỷ trên UPCOM.

Các chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) nhận định, trong ngắn hạn chỉ số VN-Index đang dần cải thiện khi đang duy trì trên đường giá trung bình 20 phiên.

Nhà đầu tư ngắn hạn sau khi đã cơ cấu danh mục, tỷ trọng hợp lý, dưới mức trung bình có thể cân nhắc, xem xét chọn lọc gia tăng trở lại đối với các mã chất lượng tốt, các mã đầu ngành.

Nhà đầu tư trung - dài hạn nắm giữ danh mục hiện tại, các vị thế xem xét gia tăng tỷ trọng mới, cần đánh giá cẩn trọng hơn dựa trên kết quả kinh doanh quý II và triển vọng cuối năm của các doanh nghiệp đầu ngành, khi quý II/2024 đang dần kết thúc.

Trường hợp tỷ trọng hợp lý, dưới mức trung bình có thể xem xét giải ngân các mã đang có thanh khoản gia tăng tốt trở lại. Mục tiêu là các mã cổ phiếu đầu ngành, dự báo có có kết quả kinh doanh triển vọng tích cực trong cuối năm.

Chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam cho rằng, xu hướng trong tuần qua chủ yếu đi ngang, sideway (giai đoạn khi giá ổn định ở mức bình thường, không có biến động đột ngột) trong biên độ hẹp kể cả biên độ biến động và khối lượng, hình thành nên nến Doji (mô hình nến Nhật đơn có giá đóng cửa và giá mở cửa gần bằng nhau) thế hiện sự phân vân lưỡng lự của giới đầu tư. Xu hướng này khả năng còn kéo dài trong các phiên của tuần tới để tích lũy thêm trước khi có sự bứt phá hình thành xu hướng tăng, giảm rõ ràng hơn.

Thực tế, thị trường chứng khoán Việt Nam trong xu thế đi ngang, giữa bối cảnh chứng khoán thế giới biến động mạnh do chi phối của nhóm cổ phiếu công nghệ.

Cổ phiếu công nghệ chi phối chứng khoán thế giới

Chứng khoán thế giới giảm điểm phiên thứ hai liên tiếp trong ngày 21/6 do sự suy yếu của nhóm cổ phiếu công nghệ.

Trong khi đó, đồng USD chạm mức cao nhất kể từ đầu tháng 5/2024, khi hoạt động kinh doanh của Mỹ khởi sắc nhất trong hơn hai năm.

Tại Phố Wall, chỉ số S&P 500 và chỉ số công nghệ Nasdaq Composite đóng cửa giảm nhẹ. Giá cổ phiếu của "gã khổng lồ" công nghệ Nvidia giảm hơn 3% được cho là lực kéo mạnh nhất đẩy cả hai chỉ số trên giảm. Chỉ số công nghiệp Dow Jones đã chật vật để có được mức tăng nhẹ, một phần nhờ giá cổ phiếu của McDonald's tăng.

Cụ thể, chỉ số Dow Jones tăng 0,04% lên 39.150,33 điểm, trong khi chỉ số S&P 500 giảm 0,16% xuống 5.464,62 điểm, còn chỉ số Nasdaq Composite giảm 0,18% xuống 17.689,36 điểm.

Tuy vậy, tính chung cả tuần, chỉ số Dow Jones vẫn tăng 1,44%, mức tăng tính theo tuần lớn nhất kể từ giữa tháng 5/2024. Chỉ số S&P tăng 0,61%, còn chỉ số Nasdaq chỉ tăng 0,003%.

Chỉ số MSCI đo lường cổ phiếu toàn cầu giảm 2,98 điểm, tương đương 0,37%, xuống 801,37 điểm trong phiên 21/6. Mặc dù vậy, chỉ số này vẫn đang trên đà tăng tuần thứ ba liên tiếp.

S&P Global cho biết, chỉ số sản lượng của Nhà quản trị mua hàng (PMI) hỗn hợp, theo dõi lĩnh vực sản xuất và dịch vụ của Mỹ đã tăng nhẹ lên 54,6 trong tháng này, mức cao nhất kể từ tháng 4/2022, so với mức 54,5 của tháng 5/2024. Chỉ số này trên 50 cho thấy sự tăng trưởng.

Dữ liệu kinh tế khác về thị trường nhà đất cho thấy doanh số bán nhà hiện có tại Mỹ giảm tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 5/2024. Nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm này là do giá nhà cao kỷ lục và lãi suất thế chấp tăng, khiến nhiều người mua tiềm năng lựa chọn chưa tham gia thị trường.

Chứng khoán châu Âu đóng cửa phiên 21/6 giảm do sức ép từ việc giá cổ phiếu ngân hàng và cổ phiếu công nghệ giảm, trong bối cảnh dữ liệu kinh tế cho thấy hoạt động kinh doanh tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) chậm lại nhiều trong tháng này. Chỉ số STOXX 600 giảm 0,73%, trong khi chỉ số FTSEurofirst 300 giảm 15,59 điểm, tương đương 0,76%.

Chỉ số đồng USD, đo lường sức mạnh đồng bạc xanh so với rổ các tiền tệ chính khác, tăng 0,17% lên 105,81.

Phố Wall đã khởi động tuần giao dịch với kỷ lục mới trong phiên giao dịch ngày 17/6, khi cổ phiếu công nghệ tăng điểm mạnh nhờ sự quan tâm đối với lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.

Đáng chú ý, trong phiên giao dịch 18/6, chỉ số S&P 500 lập kỷ lục mới khi Nvidia vượt qua Microsoft để trở thành doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới. Giá trị thị trường tăng vọt đáng kinh ngạc của Nvidia trong năm qua đã trở thành biểu tượng cho sự điên cuồng trên Phố Wall, khi nhà đầu tư lạc quan về đà tăng trưởng của công nghệ AI.

Những lo ngại về tình hình tại Pháp đẩy chứng khoán châu Âu giảm điểm trong phiên ngày 19/6 sau khi Ủy ban châu Âu nhắc nhở Pháp vi phạm các quy định về ngân sách của khối - một diễn biến bất lợi đối với quốc gia này trong bối cảnh đã tồn tại những bất ổn chính trị trước cuộc bầu cử.

Sang đến phiên 20/6, đà tăng của cổ phiếu Nvidia và các cổ phiếu liên quan đến AI khác đã tạm dừng, khiến chỉ số công nghệ Nasdaq giảm sau bảy phiên tăng cao kỷ lục liên tiếp.

Lý giải cho sự đi xuống của thị trường Mỹ, chuyên gia Steve Sosnick của công ty Interactive Brokers cho hay khi một số ít cổ phiếu kéo thị trường lên cao hơn, việc chúng dừng tăng khiến đà đi lên đó khó duy trì.

Văn Giáp (TTXVN)
Giá dầu thế giới tăng khoảng 3% trong tuần qua
Giá dầu thế giới tăng khoảng 3% trong tuần qua

Giá dầu thế giới giảm khoảng 1% trong phiên ngày 21/6 do thị trường lo ngại nhu cầu dầu toàn cầu có thể bị ảnh hưởng bởi đồng USD mạnh và những tin tức kinh tế tiêu cực từ một số khu vực trên thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN