Hoa tươi, thực phẩm chay tăng nhẹ trước ngày rằm tháng Giêng

Sức mua các mặt hàng để cúng rằm tháng Giêng như hoa tươi, trái cây, thực phẩm chay... đã tăng nhẹ trong ngày 1/3 (tức ngày 14 tháng Giêng).

Người Việt có quan niệm "Cúng cả năm không bằng rằm tháng Giêng", vì vậy người dân thường chuẩn bị đồ để cúng ngày rằm đầu tiên của năm mới. Các loại thực phẩm thiết yếu phục vụ cho ngày rằm tháng Giêng luôn được các chị em nội chợ quan tâm.

Cận ngày rằm tháng Giêng, các mặt hàng hoa tươi vẫn giữ giá so với thời điểm trước Tết Nguyên đán 2018.

Chị Thu Dịu, ngụ ở quận Thủ Đức, cho biết: "Rằm tháng Giêng là ngày rằm lớn trong năm nên năm nào tôi cũng đi chợ trước một ngày để chọn những sản phẩm tươi ngon dâng cúng Phật, tổ tiên. Sáng nay đi chợ, tôi thấy các mặt hàng rau củ, quả vẫn giữ giá so với thời điểm trước Tết. Chỉ có mặt hàng đậu que, nấm rơm là tăng giá nhẹ, khoảng 2.000 - 5.000 đồng/kg so với thời điểm trước đó do nhiều người thường sử dụng hai loại thực phẩm này làm đồ cúng chay trong ngày rằm".


Ghi nhận tại các chợ truyền thống trên địa bàn TP Hồ Chí Minh như chợ Vườn Chuối (quận 3), chợ Tân Định (quận 1), chợ Thủ Đức (quận Thủ Đức)…, các loại thực phẩm, rau, củ quả… luôn đông khách hàng ghé mua hàng.


Chị Thúy Ngân, chủ sạp rau củ chợ Vườn Chuối, cho biết trong sáng ngày 28/2, người dân đi chợ tăng nhiều hơn so với những ngày thường. Một số mặt hàng rau củ, quả vẫn giữ giá, không tăng; một số loại nấm, đậu que... tăng 5 - 10% so với ngày thường. Sức mua các mặt hàng này cũng đã tăng hơn 1 - 2 lần so với thời điểm sau Tết Nguyên đán.

Lượng rau xanh ở các chợ lẻ khá dồi dào để phục vụ nhu cầu ăn chay của người dân trong ngày rằm tháng Giêng.

Hiện các loại rau, củ tươi sống được bán chạy nhất trong ngày 14 tháng Giêng là các loại nấm, bắp cải, đậu que, su su, khoai tây, cà rốt... Giá các loại thực phẩm này dao động 20.000 đồng - 35.000 đồng/kg. Các loại rau ăn lá như xà lách, rau thơm, cải ngọt, cải xanh... có mức giá dao động từ 15.000 đồng - 25.000 đồng/kg…


Các mặt hàng hoa tươi, trái cây phục vụ thị trường ngày rằm tháng Giêng cũng khá đa dạng, giá cả có nhích hơn từ 5 - 10% so với ngày thường do chi phí vận chuyển. Theo các tiểu thương tại chợ truyền thống, lượng người mua ở các chợ cũng tăng nhẹ trong ngày 14 tháng Giêng và dự kiến ngày rằm tháng Giêng (2/3) sẽ tăng cao.


Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Công ty quản lý và kinh doanh chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, cho biết lượng hàng hoá về chợ hàng đêm khoảng 3.500 – 5.000 tấn, trong đó phần lớn là nông sản từ các tỉnh. 


“Các mặt hàng phục vụ thị trường ngày cúng rằm tháng Giêng năm nay khá phong phú và dồi dào. Giá các mặt hàng rau củ, quả, hoa tươi…có loại tăng, có loại giảm tùy theo nguồn cung dồi dào hay khan hiếm ở các tỉnh đổ về. Giá các loại rau củ, quả trong đêm 13 sáng 14 tháng Giêng có điều chỉnh tăng khoảng 500 - 1.500 đồng/kg và  có loại giảm dao động từ 1.000 - 2.000 đồng/kg. Tuy nhiên, khi về các chợ lẻ, tùy theo lượng cầu của người tiêu dùng cộng với chi phí vận chuyển các mặt hàng sẽ được điều chỉnh giá tăng khác nhau”, bà Hà cho biết.

Theo các tiểu thương, lượng người mua hoa, quả đã tăng nhẹ trong ngày 14 tháng Giêng, dự kiến trong ngày rằm sẽ tăng cao.

Để chuẩn bị mâm cúng ngày rằm tháng Giêng, ngoài việc lựa chọn các thực phẩm rau củ, quả nấu đồ cúng chay, người dân tại TP Hồ Chí Minh cũng chọn các thực phẩm chay để chế biến món ăn nhằm "thanh lọc cơ thể" sau những ngày Tết ăn nhiều thịt, mỡ. Theo đó, nhu cầu mua sắm thực phẩm chay trong ngày trước ngày rằm của người dân cũng tăng cao.


Một chủ cửa hàng bán đồ chay tại chợ Tân Định (quận 1) cho biết, các loại thực phẩm chay vẫn giữ giá như năm ngoái nhưng các dòng sản phẩm đa dạng về nguyên liệu, phong phú về chủng loại để phục vụ nhu cầu của người dân. Một số mặt hàng chay đóng gói được khách lựa chọn nhiều như: sườn non, bò lát, heo lát, bong bóng cá, gà lát, thịt nạt, ốc bươu, mực ống, gà, cá... có giá 20.000 đồng - 300.000 đồng/gói, tùy trọng lượng. Hoặc các gói đậu hũ chiên sẵn, đậu hũ non, chả đậu hũ ky, giá dao động từ 2.000 đồng - 20.000 đồng/miếng.


Để kiểm soát giá cả thị trường trong những ngày này, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cũng đã chỉ đạo các đơn vị như Chi cục quản lý thị trường thường xuyên kiểm tra, nắm bắt diễn biến thị trường, cung cầu hàng hóa, nhất là những mặt hàng, dịch vụ thiết yếu phục vụ thị trường ngày rằm tháng Giêng. Khi có biến động lớn về giá, cần có giải pháp can thiệp kịp thời để giá ổn định trở lại và xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.


Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Chợ hoa Quảng Bá, Hà Nội họp xuyên đêm những ngày cận Tết
Chợ hoa Quảng Bá, Hà Nội họp xuyên đêm những ngày cận Tết

Với người Hà Nội, chợ hoa Quảng Bá – chợ đầu mối hoa tươi lớn nhất Hà Nội trên đê Nghi Tàm (Tây Hồ) đã thành điểm đến quen thuộc mỗi khi Tết đến xuân về.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN