Nhộn nhịp thị trường Rằm tháng Giêng

Với quan niệm dân gian "Cúng cả năm không bằng Rằm tháng Giêng", nhiều người dân tại TP Hồ Chí Minh đi mua sắm, trái cây hoa tươi, thực phẩm chay… để làm mâm cơm cúng tươm tất trong ngày Rằm đầu tiên của năm mới.

Chính vì vậy, các mặt hàng phục vụ ngày này cũng khá "hút" khách và giá cả, sức mua cũng tăng cao hơn so với thời điểm Tết Nguyên đán.


Khoảng 6 giờ sáng, chị Lê Thị Mười Hai (ngụ phường phước Long A, quận 9) lại xách giỏ ra chợ mua hoa quả, trái cây, đồ chay về bày biện cúng tổ tiên trong ngày Rằm tháng Giêng của năm mới. Theo chị Mười Hai, dân gian có câu “Cúng cả năm không bằng Rằm tháng Giêng” cho nên năm nào chị cũng đi chợ mua đồ cúng và thực phẩm chay về nấu cúng tổ tiên. "Bây giờ cửa hàng bán đồ chay khá nhiều nên tôi có rất nhiều lựa chọn để nấu các món chay cúng tổ tiên", chị cho biết.

Hoa cúc vàng, cây xanh luôn được người tiêu dùng lựa chọn trong ngày Rằm tháng Giêng.


Ghi nhận sáng ngày 22/2 (ngày rằm tháng Giêng) tại các chợ lẻ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh như Thị Nghè (Bình Thạnh) chợ Nam Hòa, Phước Long B (quận 9) Thủ Đức (Thủ Đức)…giá các loại trái cây, hoa tươi đang ở mức khá cao so với thời điểm Tết Nguyên đán Bính Thân.


Theo đó, giá các loại hoa tươi trong ngày rằm tháng Giêng tăng gấp 2-3 lần so với thời điểm trước Tết. Chẳng hạn, hoa cúc vàng dao động từ 20.000-25.000 đồng/bó (3-5 cành), trong khi loại hoa này trước Tết giá chỉ từ 10.000-15.000 đồng/bó), hoa cúc đại đóa 40.000-60.000 đồng/bó (10 bông) (trước Tết 20.000-30.000 đồng/bó), hoa cát tường 50.000-60.000 đồng/bó (trước Tết chỉ từ 20.000-25.000 đồng/bó)… Không chỉ mặt hàng hoa tươi đang có giá khá cao, các loại trái cây được các tiểu thương bán với giá cao tăng 2-3 lần so với thời điểm trước Tết. Ví dụ quả thanh long 30.000-60.000đồng/kg, bưởi năm roi 40.000-120.000 đồng/kg, vú sữa 30.000-50.000 đồng/kg...

Mặt hàng trái cây luôn thu hút khách trong ngày các dịp lễ Tết, ngày cúng Rằm...


Theo lí giải của các tiểu thương, mặt hàng trái cây, hoa tươi luôn có giá cao một phần do đây là hai mặt hàng không thể thiếu trong ngày Rằm nên lúc nào cũng có xu hướng tăng giá. Thứ hai do đợt lạnh trong dịp Tết vừa qua khiến nhà vườn hoa tươi Đà Lạt bị thiệt hại nên nguồn cung khá khan hiếm.


Bên cạnh các mặt hàng hoa tươi, trái cây, các loại thực phẩm chay phục vụ thị trường ngày Rằm cũng khá phong phú với nhiều mức giá khá nhau. Ghi nhận trong 2 ngày 14-15 âm lịch tại các chợ Thị Nghè, Bến Thành, Nam Hòa, Phước Long B… các loại thực phẩm chay "giả thịt" như thịt lợn, gà, bò, chả cá, giò lụa… được khá nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Giá các sản phẩm này tại các chợ cũng tăng gấp 10-30% so với ngày thường. Chẳng hạn thịt heo chay 25.000- 50.000 đồng/gói loại 200-500 gam, chả cá viên chay 25.000-35.000 đồng/gói loại 150-500 gam, thịt đùi gà chay 25.000- 50.000 đồng/ gói loại 100-500 gam, giò lụa chay 45.000-60.000 đồng/gói…


Chị Thanh Vi, chủ cửa hàng chuyên bán đồ chay tại chợ Phước Long B (quận 9) chia sẻ: “Trong ngày Rằm tháng Giêng lượng thực phẩm chay bán rất hút, thường tăng gấp 2-3 lần so với ngày thường và giá cũng tăng từ 10-30%. Đến trưa ngày 15 âm lịch chúng tôi phải lấy thêm hàng để có thể phục vụ hết nhu cầu của khách hàng”.


Theo ghi nhận của phóng viên, giá cả các sản phẩm phục vụ thị trường Rằm tháng Giêng chỉ tăng giá tại các chợ lẻ bởi tâm lý "tiện đâu mua đó" của người dân, còn trong các hệ thống bán lẻ hiện đại, giá các sản phẩm phục vụ thị trường ngày Rằm tháng Giêng luôn được giữ giá ổn định, thậm chí nhiều mặt hàng đồ chay còn được giảm giá 5-10% để phục vụ nhu cầu của khách hàng. Chẳng hạn, tại hệ thống siêu thị Co.opmart, từ nay đến 28/2 đang triển khai chương trình khuyến mãi 600 mặt hàng giảm giá đến 50% gồm đa dạng các sản phẩm từ rau củ quả đến thực phẩm chay, khô, hóa mỹ phẩm, đồ gia dụng và quần áo thời trang...

Các mặt hàng trái cây, hoa tươi tại các hệ thống siêu thị luôn được giữ giá ổn định. (ảnh do Saigon Coopmart cung cấp)


Để kiểm soát giá cả trên thị trường tại TP Hồ Chí Minh, bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, cho biết thời điểm trước, trong và sau Tết nguyên đán nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân khá dồi dào, phong phú, sức mua, giá cả trên thị trường hiện cũng không có biến động nhiều. Tuy nhiên, giá một số mặt hàng tại các chợ lẻ có thể tăng giá cao hơn ngày thường do nhu cầu mua sắm trong cùng một thời điểm (buổi sáng, cuối buổi chiều trong các ngày Rằm, mùng Một) của người dân tăng cao trong khi nguồn cung chưa về kịp.


"Chúng tôi cũng đã có văn bản chỉ đạo các quận huyện thường xuyên theo dõi, nắm bắt giá cả tại địa phương, nếu khu vực nào có biến động về giá Sở sẽ bố trí các chuyến xe hàng bình ổn để vận chuyển hàng hóa, dập tắt ngay các điểm nóng này nhằm giúp ổn định thị trường", bà Lê Ngọc Đào cho biết.

Hoàng Tuyết
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN