Người dân phơi hạt tiêu tại huyện Bù Đốp (Bình Phước). Ảnh: K GỬIH/TTXVN |
Theo nhận định của Hiệp hội, nhu cầu sử dụng hồ tiêu thế giới ngày càng tăng mạnh, mục tiêu xuất khẩu 180.000 tấn hồ tiêu trong năm 2017 là điều dễ dàng thực hiện.
Sản lượng chi phối thị trườngThời điểm hiện tại, giá hồ tiêu xuất khẩu đang ở mức 80.000 đồng/kg và vẫn còn tiếp tục nhích lên do nhu cầu của nhà nhập khẩu thế giới. Mặc dù vậy, ngành hồ tiêu Việt Nam vẫn giữ vai trò chủ động về giá bán và có thể chi phối được giá hồ tiêu của thị trường quốc tế.
Theo ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), hiện nay sản lượng hồ tiêu Việt Nam, cũng như lượng hồ tiêu xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam chiếm 60% nhu cầu của khách hàng khắp thế giới, nhờ vào vị thế này mà ngành hồ tiêu Việt Nam mới có thể "cầm trịch" trên sân chơi hồ tiêu thế giới.
Không những vậy, sản phẩm tiêu sạch của Việt Nam vẫn đang là nguồn hàng được ưa chuộng của các khách hàng khó tính như thị trường Mỹ, Đức, châu Âu, Nhật Bản,…
Theo ông Nguyễn Ngọc Luân, Giám đốc Hợp tác xã Hồ tiêu Lâm Sang (Đồng Nai), trong 6 tháng đầu năm 2017, hợp tác xã đã xuất khẩu 300 tấn tiêu sạch, đạt tiêu chuẩn của thị trường Đức và châu Âu, gấp đôi số lượng so với cùng kì năm ngoái. Nhu cầu của thị trường khó tính này còn rất lớn, họ sẵn sàng đặt hàng với Hợp tác xã Lâm Sang 5.000 tấn tiêu mỗi năm, nhưng khả năng sản xuất hiện nay để đáp ứng được tiêu chí chất lượng vẫn còn rất ít. Do đó, ngành hồ tiêu không lo thiếu khách hàng tiêu thụ mà phải tập trrung vào chất lượng tốt để chủ động hơn trong giao dịch hợp đồng.
Vừa qua, để đáp ứng nhu cầu thị trường thế giới về tiêu sạch, Việt Nam đã phải nhập khẩu hơn 20.000 tấn tiêu sạch từ Campuchia về chế biến xuất theo đơn đặt hàng của nhà nhập khẩu. Như vậy, trước mắt hồ tiêu Việt Nam đã giữ vai trò chủ động trong việc đàm phán giá bán, điều chỉnh số lượng cung ứng ra thị trường, nhưng thời gian tới phải chú trọng chất lượng thì mới giữ được vai trò đứng đầu thế giới về số lượng lẫn chất lượng của ngành hồ tiêu.
Điều chỉnh diện tích để tránh cung vượt cầuTheo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích hồ tiêu cả nước là 140.000 ha, vượt 90.000 ha so với quy hoạch diện tích hồ tiêu đến năm 2020. Cho đến thời điểm này, diện tích hồ tiêu vẫn tiếp tục tăng ngoài sự kiểm soát do người dân thấy được lợi nhuận từ cây hồ tiêu quá lớn so với các loại cây trồng khác.
Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam (VPA) Đỗ Hà Nam cho rằng, quy luật được mùa mất giá không phải là một quy luật đúng, khi thị trường tiêu toàn cầu vẫn còn lớn thì hồ tiêu Việt Nam được mùa, tăng năng suất sẽ giúp nông dân vừa được mùa, vừa được giá. Tuy nhiên, không phải vì thế mà toàn bộ diện tích sản xuất nông nghiệp Việt Nam chỉ để trồng hồ tiêu.
Hiện nay, sản lượng hồ tiêu Việt Nam đã chiếm 60% sản lượng hồ tiêu thế giới, nếu cứ tiếp tục tăng diện tích trồng tiêu, đến khi cung-cầu bão hòa, hồ tiêu giảm giá thì nông dân Việt Nam sẽ rất "thê thảm", ông Nam cảnh báo.
Cho đến thời điểm hiện tại cũng như 6 tháng cuối năm 2017, nông dân Việt Nam vẫn còn giữ vai trò chủ động thì chính quyền địa phương các tỉnh nên cảnh tỉnh nông dân, không tự ý tăng diện tích để tránh thiệt hại về sau, ông Nam nói.
Theo ông Nam, với những diện tích đã trồng tiêu, nông dân cần đầu tư kĩ thuật chăm sóc, hướng đến sản xuất tiêu sạch để tạo uy tín vững chắc với khách hàng, với những diện tích đang manh nha trồng tiêu thì nên chuyển đổi sang trồng các loại cây khác như điều, cà phê, cây ăn trái, vẫn mang lại giá trị cao cho nông dân.
Giám đốc Hợp tác xã hồ tiêu Lâm Sang (Đồng Nai) Nguyễn Ngọc Luân cho rằng, khi thị trường thế giới bão hòa thì khách hàng có nhu cầu lựa chọn sản phẩm tốt nhất. Do đó, cả doanh nghiệp lẫn nông dân chú trọng hơn vào kĩ thuật sản xuất, tìm hiểu nhu cầu thị trường, các tiêu chí cụ thể để sản xuất phù hợp.
Theo ông Luân, hiện nay hồ tiêu Việt Nam còn đứng sau hồ tiêu Ấn Độ về chất lượng và thương hiệu nhưng có thể cạnh tranh với hồ tiêu Indonesia và Malaysia, sắp tới là sự cạnh canh gay gắt với tiêu sạch từ Campuchia. Do đó, việc cần làm là không phải tăng diện tích mà phải tăng chất lượng.
Hợp tác xã Lâm Sang cũng đã hướng dẫn các thành viên thực hiện tốt tiêu chí này trong suốt 3 năm qua để có thể cung ứng 5.000 tấn tiêu sạch theo đơn đặt hàng của thị trường châu Âu. Thời gian tiếp theo là cung ứng cho thị trường Nhật Bản.
Ông Nguyễn Như Hiến, Phó trưởng Phòng Cây công nghiệp và cây ăn quả, Cục Trồng trọt cho biết, để khống chế diện tích hồ tiêu mở rộng thêm, Cục Trồng trọt cũng đã tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các tỉnh có trồng hồ tiêu rà soát lại diện tích báo cáo Bộ để có định hướng quy hoạch dài hạn, bền vững.
Đặc biệt với những vùng ngoài quy hoạch, thiếu nước tưới, nông dân không có kinh nghiệm trồng tiêu chính quyền địa phương phải hướng dẫn nông dân trồng loại cây khác. Các địa phương tăng cường tuyên truyền với người dân, thông báo giá cả và thị trường hồ tiêu cụ thể, hiện tượng giá xuống thấp do cung vượt cầu cho người trồng tiêu nắm rõ và lập kế hoạch sản xuất cụ thể.