Trước tín hiệu tích cực từ thị trường, dự báo đến cuối năm nay và các năm tiếp theo, giá hồ tiêu sẽ ổn định theo biên độ tăng và nhiều khả năng đến cuối năm 2023 giá sẽ đạt từ 90.000 - 100.000 đồng/kg.
Đến nay, vụ thu hoạch hồ tiêu năm 2023 ở các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam Bộ đến nay đã cơ bản kết thúc. Tuy nhiên, theo giới nhận định thì vụ hồ tiêu này không được mùa như kỳ vọng.
Ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) cho biết, vụ hồ tiêu vừa qua, sản xuất hồ tiêu trong nước bị mất mùa.
Nhiều vùng trồng hồ tiêu trọng điểm của các địa phương hầu hết bị mất mùa, như: huyện Đắk Song của Đắk Nông mất mùa nặng, Cư Kuin của Đắk Lắk là huyện trọng điểm có thể được mùa nhưng cũng không thể bù vào sự mất mùa của Đắk Song. Nhiều vùng trồng tiêu chính của Gia Lai cũng không được mùa, như Chư Sê cũng giảm khoảng 30% sản lượng.
Nguyên nhân mất mùa vụ tiêu này bởi khi cây tiêu vào giai đoạn siết nước, khô hạn sau thu hoạch để cây tiêu phân hóa mầm hoa. Nhưng vụ vừa qua, các vùng trồng hồ tiêu hầu hết gặp mưa liên tục nên đã ảnh hưởng đến năng suất. Trong khi đó, gần đây, hồ tiêu có sự tăng giá tương đối khá.
Nhìn lại lịch sử thị trường hồ tiêu đã trải qua nhiều chu kỳ lên xuống giá và chu kỳ gần nhất, ông Hoàng Phước Bính cho biết, chu kỳ lên giá của hồ tiêu thường kéo dài từ 8 - 10 năm và dự báo giá sẽ lên tới đỉnh và sẽ cao hơn của chu kỳ trước.
Gần nhất từ năm 2001 đến năm 2006 là chu kỳ giá xuống, chạm đáy vào năm 2006. Chu kỳ tăng giá gần nhất từ 2006 đến 2015 và hồ tiêu có giá cao điểm từ 220.000 - 260.000 đồng/kg vào cuối tháng 3 đầu tháng 4/2015.
Từ năm 2016, giá hồ tiêu bắt đầu đi xuống và đến tháng 4/2020 có đáy là 34.000 đồng/kg. Giá hồ tiêu bắt đầu lên cho đến ngày hôm nay (giá trên 70.000 đồng/kg). Vì thế có thể xác định rằng năm 2020 - 2021 là năm giá chạm đáy và bắt đầu một chu kỳ lên giá mới, ông Hoàng Phước Bính nhận định.
Ông Hoàng Phước Bính cho rằng, giá tiêu lên là điều chắc chắn. Bởi, hiện diện tích hồ tiêu không còn nhiều. Thời gian vừa qua, cây tiêu bị cạnh tranh rất mạnh với các loại cây trồng khác như sầu riêng, chanh leo… trong khi đó những tín hiệu trồng mới gần như không có.
Do đặc điểm chủ yếu các hộ trồng tiêu nhỏ lẻ, cứ mỗi năm trồng dần một ít chứ không phải trồng tập trung một lần nên khi thị trường có giá tốt thì đổ xô đi trồng, trái với quy luật giá cả của thị trường đối với cây công nghiệp dài ngày, từ trồng cho đến khi bắt đầu thu hoạch phải sau 3 - 4 năm.
Trong khi đó, thời gian vừa qua, hồ tiêu chạm đáy đã khiến nhiều nông dân thua lỗ và thậm chí bị “ám ảnh” với cây tiêu. Nhiều nông dân bị phá sản do cây tiêu.
Từ đó đến nay diện tích trồng mới không đáng kể trong khi diện tích già cỗi ngày càng tăng, đặc biệt là từ cuối 2022 đến nay do giá của sầu riêng và chanh leo tăng cao nên nhiều diện tích hồ tiêu trồng xen trong mấy năm trước, nay cây sầu riêng đã lớn chuẩn bị có trái nên các chủ vườn đã chặt bỏ cây hồ tiêu để cây sầu riêng có đủ không gian phát triển. Vì vậy, diện tích hồ tiêu càng giảm nhiều cộng với biến đổi khí hậu nên nắng mưa bất thường vì vậy diện tích và sản lượng hồ tiêu ngày càng giảm.
Nếu giá tiêu có vượt 100.000 đồng/kg diện tích tiêu cũng khó mở rộng bởi diện tích hiện không nhiều, chi phí cho nhân công lao động cũng ở mức khá cao khiến cho người trồng hồ tiêu sẽ phải tính toán nếu mở rộng diện tích.
Trong bối cảnh cây hồ tiêu đang bị cạnh tranh gay gắt với các loại cây ăn trái khác, bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho rằng, rất có thể khoảng 3 - 5 năm tới sẽ có tình trạng thiếu hụt nguồn cung hồ tiêu.
Với những vườn tiêu đẹp, đang cho thu hoạch tốt, bà Hoàng Thị Liên khuyến cáo nông dân không nên chặt bỏ để trồng cây khác. Bởi khi trồng tiêu, nông dân đã mất 3 năm trồng, khi giá tiêu lên, nông dân quay lại trồng mất tiếp 3 năm tức là mất 6 năm không có thu nhập. Nếu năm thứ 4 có thu hoạch mà thị trường lại bước vào chu kỳ rớt giá thì bà con sẽ mãi quay vòng trồng - chặt.
“Với những cây già cỗi, nông dân trồng tái canh lại hoặc trồng thay thế. Còn khi chặt hồ tiêu trồng những cây “nóng” như bây giờ thì cần nhìn trong tổng thể. Bởi cây tiêu đầu tư bảo dưỡng rất thấp, nếu chỉ để giữ vườn thì chi phí không đáng kể”, bà Hoàng Thị Liên khuyến cáo.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, tính đến hết tháng 4/2023, Việt Nam xuất khẩu được 103.018 tấn với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 319,3 triệu USD. So với cùng kỳ năm trước lượng xuất khẩu tăng 29,7% tương đương 23.608 tấn, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu giảm 13,6% tương đương giảm 50,4 triệu USD.
Xuất khẩu hồ tiêu sang khu vực châu Á tăng 77%, chiếm 60,2% thị phần; trong đó Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu chính của hồ tiêu Việt Nam. Trong 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 35.914 tấn, tăng 1.430% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên xuất khẩu sang UAE và Ấn Độ lần lượt giảm 27,2% và 32,7%. Thị phần xuất khẩu sang châu Mỹ chiếm 17,3%, tuy nhiên so cùng kỳ giảm 5,4%; trong đó xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 5.684 tấn, giảm 18,3%. Xuất khẩu sang châu Âu cũng giảm 9,5%; sang châu Phi có dấu hiệu hồi phục, đặc biệt là thị trường chính Ai Cập.